Tượng Dung nhan Chúa được điêu khắc tỉ mỉ trên khối gỗ liền lạc
CHÚA GIÊSU CỨU ĐỘ NHÂN LOẠI
LỜI CHÚA : Rm 5,6-8.
“Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8)
BÀI HỌC :
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa toàn năng, không cứu độ con người bằng quyền lực trấn áp sự dữ, song Ngài chọn con đường thập giá đi từ đau khổ đến vinh quang. Thiên Chúa muốn chia sẻ thân phận và kiếp sống khổ tội của con người để đưa con người lên với Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương. Như vậy, chính tình yêu của Thiên Chúa, Đấng sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người mình yêu, đã cứu độ nhân loại chúng ta.
I – CHÚA GIÊSU CHỊU CHẾT VÌ TỘI LỖI CON NGƯỜI:
Nhiều người Do Thái đã từ chối Tin Mừng mà Đức Giêsu đã rao giảng, không đón nhận Đấng Kitô cứu thế mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ qua hoàng tộc Đavit (Ga 10,22-26). Bởi đó, họ đã loại trừ Đức Giêsu bằng cách đóng đinh Ngài trên thập giá.
1) Lý do nào đã đưa đến cái chết của Chúa Giêsu?
* Tôn giáo Do Thái là tôn giáo độc thần, chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, mà Đức Giêsu lại xưng mình là Con Thiên Chúa và ngang bằng với Thiên Chúa là Cha của Ngài (Ga 10,22-39; Mc 6,1-6).
* Chiếu theo luật Do Thái giáo thì Đức Giêsu phải bị ném đá cho đến chết vì đã phạm thượng (Lc 22,66-71; Mt 26,59-66; Mc 14,55-64), song đất nước Do Thái thời Chúa Giêsu là đất nước bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, nên họ phải nại đến chính quyền Rôma để đóng đinh Đức Giêsu trên thập giá với tội danh vu cáo rằng Đức Giêsu đã rao giảng quần chúng chống lại Rôma (Lc 23,1-7).
* Thực ra, người Do Thái có thể bỏ qua tội phạm thượng vì đã có lần, người ta cho Ngài là kẻ quẫn trí, nói nhảm (Mc 3,20-21; Ga 10,19-21). Philatô đã có thể tha bổng Đức Giêsu vì ông biết rõ Giêsu vô tội, chỉ vì ghen tỵ mà người Do Thái đã nộp Ngài (Mc 15,8-11); song Philatô lo sợ quần chúng nổi loạn nên đã ra lệnh đóng đinh Đức Giêsu trên thập giá (Mt 27,19-26).
Sống trong một đất nước bị đô hộ, người Do Thái tuân phục chính quyền Rôma một cách miễn cưỡng, vì thế họ dành sự kính trọng cho giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Đó là lý do tại sao quần chúng Do Thái trước kia có cảm tình với Chúa Giêsu (Mt 21,1-11), bây giờ lại ngả theo giới thượng tế đòi đóng đinh Đức Giêsu (Mt 27,20-25).
Đức Giêsu xuất hiện như một bậc thầy thông thạo về đạo lý, lại làm được những việc lạ lùng (Mt 6,17-19), nên đã thu hút được quần chúng tin theo (Mt 7,16-17). Giới lãnh đạo Do Thái giáo ghen tỵ và tìm cách loại trừ (Ga 11,45-57).
Tuy nhiên, không thể quy trách nhiệm sát hại Đức Giêsu cho dân Do Thái vì chính Chúa đã chết vì tội lỗi của mọi người chúng ta (1Cr 15,3), và đó là ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa.
2) Tuần Thánh tưởng niệm những biến cố gì ?
Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Chúa Nhật Phục Sinh :
* Chúa Nhật Lễ Lá : Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem, được đón tiếp như là Đấng Kitô cứu thế (Mt 21,1-10).
* Chiều thứ Năm Tuần Thánh : Đức Giêsu mừng lễ Vượt Qua theo truyền thống của người Do Thái (Mt 26,17-19), và cũng là bữa ăn chia tay với các môn đệ (Lc 22,15-18). Trong bữa tiệc ly này, Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể (Lc 22,19-20), như một cử chỉ báo trước hy tế thập giá của ngày thứ Sáu bằng cách biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Ngài làm lễ vật dâng lên Thiên Chúa và làm lương thiêng nuôi dưỡng các tín hữu (Ga 13,1). Trong bầu khí thân tình ấy, Đức Giêsu làm một cử chỉ yêu thương và phục vụ bằng cách cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,2-5).
Sau cùng, Đức Giêsu vào vườn Cây Dầu cầu nguyện để đón nhận thánh ý Chúa Cha, rồi bị một môn đệ làm phản và Ngài bị bắt, bị xét xử bởi Thượng Hội Đồng Do Thái (Lc 22,39-48.66-71).
* Thứ Sáu Tuần Thánh : Đức Giêsu bị điệu tới tổng trấn Philatô (Lc 23,1-7.24.33.44-46), bị chế diễu, hành hạ rồi bị kết án đóng đinh trên thập giá và tắt thở khoảng 3 giờ chiều. Các môn đệ hạ xác và mai táng vội vã vì sắp sửa bước vào ngày đại lễ (Lc 23,50-56).
* Thứ Bảy Tuần Thánh : Ngày đại lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu vẫn an nghỉ trong mồ đá.
* Chúa Nhật Phục Sinh : Đây là ngày thứ nhất trong tuần đối với người Do Thái, các môn đệ đến thăm mồ nhưng xác Đức Giêsu không còn ở đấy, và các thiên thần cho biết Ngài đã sống lại (Lc 24,1-7).
Chúa Phục Sinh là Chúa lên trời (Thăng Thiên), nghĩa là về với Chúa Cha mang theo cả thân xác đã Phục Sinh của Ngài. Tuy nhiên trong những ngày đầu, Chúa Giêsu vẫn hiện ra với các môn đệ nhiều lần để củng cố niềm tin của họ. Sau 40 ngày kể từ khi sống lại, Chúa Giêsu về trời, không còn hiện diện hữu hình nữa (Lc 24,51).
Chúa Phục Sinh cũng là lúc Chúa ban Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 20,2), nhưng phải 50 ngày sau (Cv 2,1-4), các ông mới nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử của Hội Thánh.
Reviews
There are no reviews yet.