Các đồ vật dùng trong phụng vụ là những vật dụng được sử dụng trong các nghi thức phụng vụ của Giáo hội Công giáo. Các vật dụng này có ý nghĩa biểu tượng, giúp các tín hữu tham dự phụng vụ ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa và ý nghĩa của các nghi thức.

1. Nến

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ

Ban đầu, nến được sử dụng cho công việc trần thế, như chiếu sáng, tạo bầu khí thân mật, ấm áp. Về sau, người ta thắp nến đốt lửa trong các buổi tế tự lớn nhỏ. Ngay ở Việt Nam, trong các đền chùa, miếu vũ và khi tế tự đều có yếu tố lửa. Lửa này được lưu giữ trên nến, đèn đuốc hoặc trên hương trầm.

Việc thắp đèn nến trong Phụng vụ được bắt nguồn từ Cựu Ước. Thật vậy, trong Đền thờ Giêrusalem, nến sáng nhắc nhỡ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài. Sách Xuất Hành đưa các chỉ thị rõ ràng và chi tiết về cây đèn bảy ngọn (Xh 25, 31-40): trụ đèn và chân đèn bằng vàng ròng, nhánh đèn bằng vàng gò, có đài hoa, nụ hoa, cánh hoa gắn liền vời trụ đèn; ánh sáng của bảy ngọn đèn phải toả ra phía trước trụ đèn.

Kéo cắt bấc và đĩa đựng tàn cũng bằng vàng ròng. Phải dùng đến 30kg vàng để làm toàn bộ cây đèn bảy ngọn. Sách Xuất hành (Xh 27, 30) còn quy định: “Dầu trong đèn phải là dầu ôliu nguyên chất để đèn luôn luôn có lửa cháy”. Sách Lêvi 24,1-2 viết: “Đèn được đặt bên ngoài bức màn tao phùng, trong lều hội ngộ, sao cho nó luôn luôn cháy từ chiều đến sáng, trước nhan Thiên Chúa”. Sách Khải Huyền nhắc tới cây đèn bảy ngọn ở Kh 4, 5 và xem bảy ngọn đèn là bảy thần khí luôn luôn sáng tỏa trước ngai Thiên Chúa.

Trong Phụng vụ Kitô giáo, đèn nến luôn được thắp sáng trong các buổi cử hành, ngay cả khi không cần đến ánh sáng, chẳng hạn khi cử hành các nghi lễ vào ban ngày, nhằm nhắc nhỡ rằng Ngôi Lời nhập thể chính là ánh sáng thế gian (x. Ga 1,4-9), là ánh sáng vĩnh cữu không bao giờ tắt.

Phụng vụ dùng nến trong các dịp sau đây và mỗi dịp lại có ý nghĩa khác nhau:

– Trong lễ Phục Sinh, nến Phục Sinh biểu trưng Chúa Kitô phục sinh. Vì đó, phải xông hương nến và công bố Tin Mừng Phục Sinh cạnh nến.

– Nến sáng được trao cho người tân tòng trong phép Rửa Tội, cho người rước lễ lần đầu và cho người chịu phép Thêm Sức, cho các khấn sinh. Trong các nghi lễ ấy, nến sáng biểu trưng ân sủng của Chúa và biểu trưng chính sự sống của họ trong Hội thánh.

– Nến thắp trên Bàn thờ nói lên lòng tôn kính của tín hữu trước sự hiện diện của Chúa.

– Nến đặt cạnh quan tài nhắc cho tín hữu rằng người chết sẽ có ngày phục sinh trong Chúa, đồng thời cũng nhắc cho các tín hữu còn sống luôn có thái độ tỉnh thức mong chờ Chúa đến.

– Trong Lễ Đèn thứ sáu, thứ bảy Tuần Thánh, Phụng vụ dùng một chân nến năm ngọn. Sau khi nguyện xong một phần thì tắt một ngọn. Cuối cùng chỉ còn lại một ngọn duy nhất và đơn độc. Ngày xưa người ta không tắt ngọn cuối cùng này mà đem cất vào phòng thánh rồi tắt. Hành động này nhằm nói lên Chúa Kitô trở nên trần trụi, đơn độc trong đêm khổ nạn.

– Trong các cuộc rước nến sáng như trong ngày Lễ Nến hoặc trong lễ khấn, nến tượng trưng “con cái sự sáng” (Lc 16,8) đến gặp Chúa Kitô là ánh sáng muôn dân và ánh sáng vĩnh cữu.

Người phụ trách phòng thánh có thể trang trí nến Bàn thờ bằng cách đặt trên giá, trên đĩa, hoặc cạnh bình hoa. Số lượng nến trên Bàn thờ cũng được quy định là số chẵn. Tuy nhiên nếu chưng nhiều nến, số lượng nến cũng có thể là số lẻ. Nên gỡ bỏ các dòng nến chảy ra quanh nến, và cắt tim nến vừa phải, để nến trên Bàn thờ luôn được sạch sẽ, gọn gàng.

Ngày nay, cây nến còn có giấy bọc quanh, trong suốt, ta phải cắt phần giấy dư, không để lửa bắt vào, tỏa mùi khó chịu. Khi tắt nến, ta nên dùng chụp nến, tránh trực tiếp thổi vào nến đang cháy vì có thể làm nước nến văng xuống Khăn Bàn thờ.

2. Hoa

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ

Bông hoa tươi thắm luôn tạo nên cảm giác vui tươi và hân hoan. Mỗi loại hoa và màu sắc của nó có một ngôn ngữ và ý nghĩa riêng, do con người cảm nhận rồi quy ước. Các quy ước này không có tính nhất quán cao, vì mỗi dân tộc và mỗi thời đại có thể có cảm nhận khác nhau về ý nghĩa của từng loại hoa. Nhưng chung chung, ta có thể tìm thấy các ý nghĩa như sau:

Hoa hồng: lòng ái mộ, tình yêu mãnh liệt.
Hồng trắng: tình yêu trong sáng, cao thượng.

Hồng vàng: tình yêu rực rỡ.

Hồng phớt: tình yêu mơ mộng.

Hồng thẫm: tình yêu nồng cháy.

Cẩm chướng: lòng quý mến.

Cẩm chướng đỏ: lòng tôn kính.

Cẩm chướng hồng: ngày của mẹ.

Cúc: cao thượng.

Cúc đại đoá: vui mừng.

Cúc vàng: chân thật, vui vẻ.

Cúc trắng: ngây thơ, duyên dáng.

Cúc tím: lưu luyến khi chia tay.

Cúc đồng tiền: trường thọ.

Sen: độ lượng, bác ái

Sen trắng: cung kính, tôn nghiêm.

Sen hồng: hân hoan, vui tươi.

Thược dược: tươi thắm, yêu thương.

Huệ: trong sạch, thanh cao.

Lan: thanh cao, nhiệt tình.

Quỳnh: thanh khiết.

Đồng tiền: may mắn, sung túc.

Layơn: niềm vui, thành thật, cao quý.

Violet: Tình yêu chân thực, khiêm tốn, giản dị, trung thực.

Anh đào: nét đẹp tâm hồn.

Súng: yêu thương chung thuỷ.

Mai: cứng rắn, không chịu khuất phục.

Mào gà: tình yêu bền vững.

Liễu rủ: buồn thương.

Hoa ly: trong sáng, thanh cao.

Nguyệt quế: chúc mừng thành công.(theo internet)

Ở Việt Nam, thôn quê không có sẵn hoa như thành phố. Nhưng nếu có điều kiện kinh tế, nên chọn loại hoa phù hợp với ý nghĩa ngày lễ. Tuy Phụng vụ không quy định hoa thật hay hoa giả, nhưng nên tránh chưng hoa giả. Trong trường hợp thiếu hoa thật, có thể dặm thêm hoa giả vào bình hoa thật.

Lối bài trí hoa trên bình hoa cũng phải phù hợp với Phụng vụ, do đó trong nhiều trường hợp, không thể lấy một bình hoa ở phòng khách, phòng ăn đem chưng ở Cung thánh. Cũng không nên chưng bình quá lớn, rườm rà, vì vô tình có thể trở thành đối tượng chú ý của ngày lễ. Cũng không nên uốn các bình hoa theo hình con thú, các vật biểu tượng, mà phải tôn trọng nét đẹp tự nhiên của cành lá bông hoa.

Vì chưng hoa là để trang trí cho cuộc cử hành Phụng vụ thêm trang trọng huy hoàng, nên các bình hoa không được làm lu mờ vị trí của Bàn thờ, Chủ tế, Chén thánh, Thư đài và đồng thời, không gây cản trở cho việc đi lại trong cung thánh.

Quy chế Sách lễ Rôma 2000 không cho phép đặt các bình hoa trên Bàn thờ. Vậy chỉ được chưng chung quanh hoặc trước Bàn thờ mà thôi. Mùa Chay, trừ Chúa nhật 4 Mùa Chay và lễ trọng trong Mùa Chay, không được phép chưng hoa trước Bàn thờ. Cùng chỉ được chưng hoa vừa phải trong Mùa Vọng, để hướng tất cả sự hân hoan vào ngày lễ Chúa Giáng Sinh (RM 305).

3. Hương trầm

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ

Xông hương, dâng hương trong Phụng vụ có hai ý nghĩa chính:

Tỏ lòng tôn kính hoặc khơi dậy lòng tôn kính đối với đối tượng được xông.
Biểu trưng cho lời cầu nguyện bay lên trước tôn nhan Chúa (Tv 140,2; Kh 8,3).

Ở Việt Nam, có bốn loại hương thơm thường dùng trong nghi lễ:

a. Nhang:

Nhang là những thẻ tre (cho nên cũng có tên là nhang thẻ) phần trên có bột thơm, phần dưới dùng để cầm. Bột nầy thường có ba màu tạo nên ba loại nhang khác nhau: vàng tươi, nâu sẫm, đỏ sẫm. Ba loại nhang này rất phổ biến, có thể dùng trong Phụng vụ. Loại nhang lớn màu đỏ sẫm thường được dùng trong các dịp long trọng.

Ngoài ra, cũng có loại nhang pha hạt sáng. Khi lửa cháy đến hạt, hạt lóe sáng vui mắt. Loại này không dùng trong Phụng vụ vì gây chia trí. Các đền, chùa còn dùng một loại nhang hình xoắn ốc. Nhờ hình xoắn ốc, thời lượng cháy lâu hơn so với nhang thẻ. Hiện nay trong các Nhà thờ Việt Nam không dùng loại nầy, nhưng Phụng vụ không cấm.

Để cắm nhang thẻ, người ta thường không dùng lư hương nhưng dùng một vật dụng gọi là bát nhang, trong đó đổ cát hoặc gạo để dễ cắm. Tuy nhiên một số Nhà thờ Công giáo lại có thói quen cắm nhang trên lư hương. Chưa có nghiên cứu nghiêm túc nào xác định việc cắm nhang trên lư hương là sai lệ. Tuy nhiên phổ biến trong dân gian vẫn là cắm nhang trên bát nhang.

Mỗi lần dâng hương, người ta thường dâng theo số lẻ nghĩa là dâng 1, 3, 5, 7 thẻ nhang, không bao giờ dâng theo số chẵn. Theo quan niệm dân gian, số lẻ là số dành cho thần linh trong đó có cả linh hồn người chết. Cũng có quan niệm cho rằng đời sống con người có bốn sự kiện cơ bản: sinh, lão, bệnh, tử. Số lẻ là số sinh hoặc bệnh; số chẵn là số lão hoặc tử , lão và tử là hai điều kỵ, nên tránh. Nhưng khi dâng một nắm gồm nhiều thẻ nhang, người ta không còn lưu ý đếm số lượng thẻ nhang là chẵn hay lẻ.

b. Trầm:

Trầm được tạo ra do nhựa cây dó kết tinh lâu năm, rất thơm. Mùi thơm của trầm không quyến rũ như mùi nước hoa, nhưng thâm trầm, lắng đọng, dễ đưa tâm trí thoát tục đi vào chiều sâu và vươn lên cõi linh thiêng .

Nhựa trầm khi bỏ vào nước thì chìm, do đó có tên là trầm. Trầm ròng (còn gọi là kỳ nam) rất đắt tiền, nên dân gian thường dùng giác trầm. Giác trầm là những đoạn gỗ ở gần chỗ có trầm ròng hoặc những mảnh gỗ có nhiều nhựa trầm, khi đốt lên vẫn toả ra mùi thơm của trầm. Trong các buổi cử hành Phụng vụ, giác trầm được bỏ vào lư hương, đốt lên để toả khói trắng và hương thơm. Để tiết kiệm, người ta cũng bỏ giác trầm vào lư hương nhỏ đặt trong lòng lư hương lớn.

c. Hương nụ:

Có nơi, người ta dùng hương nụ thay cho giác trầm, vì hương nụ cháy lâu hơn giác trầm và trông gọn gàng hơn. Hương nụ là bột hương được ép thành nụ có hình trụ chóp nón. Hương nụ cũng được đặt vào lư hương nhỏ và được đốt lên để toả mùi thơm và khói trắng trong nghi thức dâng hương.

Khi dùng lư hương nhỏ đựng trầm, giác trầm, hương nụ trong nghi thức dâng hương, chủ tế thường cầm lư hương vái một hoặc ba vái, rồi đặt lư hương nhỏ vào lư hương lớn. Trái lại, trong dân gian, người ta chỉ vái khi dâng nhang, không bao giờ cầm lư hương mà vái. Chưa có một nghiên cứu nghiêm túc nào xác định việc cầm lư hương mà vái là sai lệ, cử chỉ này cũng cần phải được nghiên cứu thêm.

d. Hương bột:

Hương bột là hương dạng bột hoặc hạt nhỏ. Có thể làm hương bột bằng cách tán nhỏ chai phà, giác trầm, kỳ nam, nhựa thông, sáp ong hoặc bất cứ một loại nhựa cây nào có mùi thơm và tỏa khói trắng.

Bột hương được đổ vào một vật dụng gọi là tàu hương có dáng một chiếc xuồng nhỏ. Trong tàu hương luôn có muỗng nhỏ để múc bột hương đổ vào than hồng. Trong buổi cử hành Phụng vụ, chủ sự dùng muỗng lấy hương bột đổ vào lư hương trước Bàn thờ, hoặc đổ vào bình hương xông.

Bình hương xông gồm phần thân đựng than hồng và phần dây treo gồm ba sợi. Nắp bình hương có thể di chuyển lên xuống nhờ một sợi dây thứ tư. Chú giúp lễ kéo nắp bình lên cho chủ sự bỏ hương, rồi lại thả dây cho nắp bình rơi xuống đậy trên bình.

So với bát nhang và lư trầm, sử dụng bình xông có lợi là có thể xông Bàn thờ, bánh rượu, Thánh giá, sách Phúc Âm, Chủ tế, các Linh mục đồng tế và cộng đoàn, trong nghi thức an táng có thể xông linh cửu và trong phép lành Mình Thánh Chúa có thể xông Mình Thánh Chú, trong buổi canh thức Phục Sinh có thể xông nến Phục Sinh.

Về hương trầm, người phụ trách phòng thánh cần lưu ý những điểm sau:

  • Về nhang: Phải chọn loại nhang khi đốt lên thì toả mùi thơm dịu, không khắt. Đồng thời, phải chọn loại nhang mà thẻ nhang khá cứng, để nhang không nghiêng ngã khi cắm vào bình nhang. Lúc dọn nhang luôn dọn lẻ.
  • Giác trầm: Phải chọn loại giác ngửi thấy mùi thơm rõ nét.
  • Hương nụ: Có những loại hương nụ rất thơm nhưng mùi thơm không phù hợp với Phụng vụ, như mùi dầu xả hoặc mùi nước lau nhà.
  • Bột hương: Dù ở thành phố hay thôn quê, đều có thể tự chế bột hương để có mùi thơm và bốc nhiều khói trắng, bằng cách tán nhỏ chai phà và nhựa thông.
  • Than: Nên mua dành sẵn than hoạt tính mà người ta thường gọi là than phụng vụ. Loại này rất dễ bắt lửa, cháy lâu và chỉ tắt khi đã cháy hết than.
  • Bình xông hương: Bình xông hương có bốn dây khá dài, dễ bị rối. Do đó, trước và sau khi dọn, luôn luôn treo bình lên móc, không đặt bình hương lên bàn.
  • Tàu hương: Trước mỗi lễ, nên kiểm tra bột hương và muỗng trong tàu hương. Các chú giúp lễ có thể làm đổ bột hương do vô ý cầm nghiêng tàu hương.

4. Bộ tam sự

Bộ tam sự là một “bộ đồ thờ” (nói theo kiểu dân gian) gồm 3 vật dụng: 1 lư hương và 2 đèn. Bộ tam sự thường bằng đồng hoặc gỗ, chạm trổ theo mỹ thuật Á Đông. Nếu bộ đồ thờ này gồm 5 vật dụng là 1 lư hương, 2 đèn, 2 hạc thì gọi là bộ ngũ sự.

Người Việt Nam luôn chưng bộ tam sự này trên bàn thờ gia đình và trong các buổi tế tự. Nói cách khác, tam sự là đồ chuyên dùng trong việc tế tự. Tự nó, bộ tam sự này không là của tôn giáo nào, nhưng là vật dụng tế tự của người Việt Nam dùng để bài trí trên bàn thờ.

Thánh lễ là việc tế tự, Bàn thờ phải bài trí những vật dụng tế tự, nên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong khuynh hướng hội nhập văn hoá, đã chấp nhận cho các Nhà thờ Công giáo sử dụng bộ tam sự. Bộ tam sự thường được đặt trước Bàn thờ. Lư hương dùng để bỏ trầm hương và đèn dùng để thắp sáng. Bộ tam sự làm tăng thêm vẻ đẹp, tôn nghiêm và linh thánh của việc thờ phượng Chúa trong các cử hành Phụng vụ.

Theo phong tục dân gian, không bao giờ đặt bộ tam sự ngay trên nền nhà -vì đây là “bộ đồ thờ”- nhưng phải đặt trên một bàn thấp. Dân gian gọi bàn này là bàn tam sự. Trong các Nhà thờ Công giáo, bàn tam sự có thể không phải là một cái bàn phẳng đúng nghĩa, nhưng là một cái giá mỹ thuật, có công dụng làm đế để đặt bộ tam sự cho trang nghiêm.

Trong một buổi cử hành phụng vụ, không nên dùng lư hương (bỏ hương vào lư) lại đồng thời dùng bình hương để xông hương. Nghĩa là, nếu dùng bình xông hương, thì không dùng lư hương, còn đã chọn dùng lư hương, thì không dùng bình xông hương. Cũng không đặt lư hương trước Thư đài, không cầm lư hương đi quanh quan tài để xông hương.

Người phụ trách phòng thánh nên thường xuyên lau bụi và vết nến trên bộ tam sự. Mỗi khi có lễ lớn, đặc biệt lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, lễ Tết, phải đánh bóng bộ tam sự.

5. Chuông

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ

Chuông nhà thờ (F: Cloche; E: Church bell; L: Campana)

Chuông nhỏ (F: Sonette; E: Altar bell; L: Tintinnabulum)

Trong cuộc sống thường ngày, để lôi kéo sự chú ý của mọi người, người ta dùng những vật dụng tạo những âm thanh đơn giản như còi xe tàu, còi báo động, kiểng, trống… . Nhịp độ và âm sắc của các âm thanh nầy chuyển tải một hiệu lệnh đặc trưng, ví dụ: còi xe chữa lửa, xe cứu thương, kiểng tập họp, trống tập họp, trống báo động khẩn cấp, trống thúc quân, trống xông trận… .

Trong các nghi lễ tôn giáo, ngoài các nhạc cụ chuyên dụng như đàn sáo vốn là những nhạc cụ tạo ra âm thanh phong phú, người ta cũng sử dụng các vật dụng tạo âm thanh đơn giản, như chiêng trống, thanh la khánh lệnh, chuông chùa, chuông Nhà thờ, chuông tụng kinh, chuông lễ.

Mỗi loại âm thanh, mỗi thứ nhịp điệu đều có một ý nghĩa khác nhau theo thói quen đã thành qui ước.

Chuông vang lên trong các buổi cử hành Phụng vụ Kitô giáo vừa có mục đích báo hiệu, vừa tạo nên niềm hân hoan phấn khởi.

Phụng vụ kéo chuông lớn và rung chuông nhỏ khi hát kinh Vinh Danh trong lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh là chủ ý tạo niềm hân hoan, báo tin Chúa ra đời và Chúa sống lại.

Trong Phụng vụ, để báo hiệu, người ta rung chuông nhỏ vào những lúc sau đây:

  • Đặt tay xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hoá lễ vật.
  • Nâng Mình và Máu Thánh Chúa sau khi truyền phép.
  • Đầu giờ rước lễ.
  • Ban phép lành Mình Thánh Chúa.
  • Rước kiệu Mình Thánh Chúa.

Vì tiếng chuông tạo niềm vui, nên Phụng vụ ngừng chuông (cả chuông nhỏ lẫn chuông Nhà thờ) từ Thứ Năm Tuần Thánh đến lễ Phục Sinh, để tỏ dấu Hội thánh đang chịu tang.

Người phụ trách phòng thánh nên kiểm tra siết lại vít, đánh bóng chuông nhỏ trong các dịp lễ lớn; đặc biệt, thỉnh thoảng bỏ dầu mỡ vào chuông lớn.

6. Dầu Thánh

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ

Trong tiếng Latinh, oleum có nghĩa là dầu trích từ quả ôliu.

Trong đời sống ngày thường, dầu thực vật có 4 công dụng:

  • Dầu là thành phần thực phẩm, làm cho thức ăn thơm ngon, dễ dùng (dầu ăn).
  • Dầu tăng sức mạnh và dẻo dai cho cơ thể, xua trừ cảm lạnh và các cơn đau (dầu xoa bóp).
  • Dầu còn dùng để thắp sáng xua tan bóng tối (dầu thắp).
  • Dầu toả mùi thơm, đem đến sự dễ chịu, trang nhã trong các cuộc tiếp xúc với người khác. Dầu đem đến sự vui tươi, gia tăng sức sống và chất lượng sống (dầu thơm, nước hoa).

Trong Cựu Ước, dầu đem lại niềm vui (Tv 44,8), làm tươi nét mặt (Tv 103,15); dầu được dùng để thánh hiến, làm cho người được xức dầu trở nên vua, tư tế hay ngôn sứ (Xh 29,7; Is 10,1; 16,12-13).

Phụng vụ Giáo hội dùng ba loại dầu thực vật của trái cây ôliu, do Đức Giám Mục Giáo phận làm phép và thánh hiến trong Lễ làm phép dầu, sáng Thứ Năm Tuần Thánh:

1. Dầu Bệnh nhân: Được Đức Giám Mục làm phép. Trong trường hợp khẩn cấp, Linh mục cũng có thể làm phép dầu này. Dầu này xức cho bệnh nhân và người già yếu để xin Chúa Thánh Thần ban ơn trợ lực trong cơn thử thách do cơn bệnh hoạn hoặc tuổi tác gây ra.

2.Dầu Dự tòng: Chỉ Đức Giám Mục mới có quyền làm phép. Dầu Dự tòng được xức cho những người sắp lãnh nhận Bí tích Rửa tội, để đẩy lui vòng kiềm tỏa của Satan và sự dữ trên họ.

3.Dầu Thánh: Chỉ Đức Giám Mục mới có quyền thánh hiến.

Dầu Thánh được xức cho người và vật dụng thánh sau đây:

– Cho người vừa chịu phép Rửa tội (xức trên đỉnh đầu).

– Cho người chịu phép Thêm sức (xức trên trán).

– Cho tân Linh mục (xức trên lòng bàn tay), cho tân Giám Mục (xức trên đầu).

– Cho Bàn thờ trong nghi lễ thánh hiến Bàn thờ (xức trên mặt Bàn thờ), Nhà thờ (xức trên các Thánh giá gắn sẵn trên tường Nhà thờ).

Trong các Nhà thờ Giáo xứ, ba loại dầu này được đựng trong ba hộp tròn nhỏ, có lót bông gòn để dầu khỏi chảy ra ngoài. Trên mỗi hộp, có ghi tên loại dầu:

– SC (Sacrum Chrisma): Dầu Thánh.

– OI (Oleum Infirmorum): Dầu Bệnh nhân.

– OS (Oleum Sanctum): Dầu Dự tòng.

Ba hộp dầu nhỏ này thường được đặt sát nhau trong một hộp lớn hơn. Người phụ trách phòng thánh phải biết Linh mục sắp ban bí tích nào để dọn đúng loại dầu Ngài cần dùng.

7. Hào quang, mặt nhật, mặt nguyệt

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ

Theo truyền thống, có bốn cách đặt Mình Thánh Chúa để tôn thờ ngoài Thánh lễ:

– Mở cửa Nhà tạm, đưa Bình thánh tới sát cửa.

– Đặt Bình thánh có phủ khăn lên đế dọn sẵn trên Bàn thờ.

– Đặt Hào quang có Mặt Nguyệt đựng Mình Thánh Chúa lên đế dọn sẵn trên Bàn

thờ. Kết thúc buổi chầu bằng việc ban phép lành bằng Hào quang, gọi là Phép lành MTC.
– Kiệu Mình Thánh Chúa từ địa điểm này đến địa điểm khác.

Hào quang, Mặt nguyệt, khăn phủ Hào quang, đế Hào quang là những vật dụng Phụng vụ dùng để cử hành phép lành Mình Thánh Chúa hay để rước kiệu Mình Thánh Chúa.

Hào quang làm bằng kim loại hình mặt trời đang toả sáng rực rỡ. Ở trung tâm các tia sáng là một ô kính trong suốt để đặt Mình Thánh Chúa cho mọi người chiêm ngắm và thờ lạy Thánh Thể Chúa Giêsu ngự trong hình bánh. Hào quang có đỉnh gắn Thánh giá, và có chân để nâng Mình Thánh Chúa lên cao hầu mọi người trong Nhà thờ nhìn thấy rõ ràng.

Mặt nguyệt là một hộp tròn, dẹt, bằng kính trong suốt. Mặt nguyệt gồm hai lớp kính, có thể mở ra để đặt Bánh thánh vào giữa hai lớp kính đó. Bánh nầy là bánh lớn thường dùng cho Linh mục làm lễ. Trường hợp bánh này lớn hơn Mặt nguyệt, ta cần cắt tròn sao cho vừa vặn. Không nên cố ép tấm bánh vào Mặt nguyệt, vì Linh mục sẽ khó gỡ ra để thay Mình Thánh Chúa.

Khi dọn bánh lễ đựng trong Mặt nguyệt cho Linh mục truyền phép, ta đặt Mặt nguyệt trên một dĩa nhỏ, trên bàn rượu nước. Các chú giúp lễ sẽ đem Mặt nguyệt lên Bàn thờ trong phần dâng bánh rượu. Sau Thánh lễ, Linh Mục sẽ cất Mặt nguyệt vào Nhà tạm. Lúc chầu Phép lành Mình Thánh Chúa, ngài đưa Mặt nguyệt ra Bàn thờ, đặt vào Hào quang.

Hào quang được phủ bằng một tấm khăn mảnh màu trắng hoặc màu vàng nhẹ, vừa để che bụi, vừa để tỏ lòng tôn kính đối với nơi Chúa ngự, gọi là Khăn phủ Hào quang. Khăn này thường không thêu, chỉ có may ren bốn cạnh. Khi dọn Hào quang lên Bàn thờ, ta không cất khăn phủ này, chính Linh mục mở tấm khăn này.

Trong buổi chầu Phép lành Mình Thánh Chúa, ta dọn một cái đế Hào quang ở trung tâm bàn thờ. Đế này nên làm bằng gỗ chắc chắn. Không nên lấy hộp bánh hoặc sách để làm đế đặt Hào quang. Đế được phủ khăn trắng; trên khăn này, trải Khăn thánh. Khi dọn Hào quang, ta không đặt Hào quang lên đế, chính Linh mục sẽ đặt lên.

8. Bình nước Thánh

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ

Một vài Nhà thờ để nước thánh ở 2 nơi: trong bình ở cửa ra vào Nhà thờ, và trong bình nước thánh thường cất trong phòng thánh.

Bình nước thánh ở cửa Nhà thờ thường được gắn liền vào vách. Tín hữu vào Nhà thờ chấm nước thánh và làm dấu Thánh giá trên người. Nước thánh đổ vào bình phải là nước đã được làm phép trong đêm Phục Sinh hoặc được Linh mục làm phép bằng một nghi thức đơn giản.

Trong Phụng vụ, việc rảy nước thánh hoặc chấm nước thánh để ghi dấu Thánh giá trên người mang ý nghĩa thanh tẩy con người hay đồ vật, và đồng thời cầu xin Chúa đổ ân sủng của Người xuống trên người và đồ vật đó.

Phụng vụ cử hành nghi thức rảy nước thánh vào những lúc sau đây:

– Trong đêm Phục Sinh, sau khi cộng đoàn tuyên lại lời hứa khi chịu Bí tích Rửa Tội.

– Mỗi Chúa nhật lúc bắt đầu Thánh lễ, nếu chủ tế muốn làm.

– Trong nghi lễ an táng, nước thánh được rảy trên thi hài, trên linh cửu, trên huyệt mộ. Linh mục và mọi người tham dự đều có thể rảy nước thánh.

– Trong tất cả mọi nghi lễ làm phép như làm phép nhà, làm phép ảnh tượng, làm phép vật dụng Phụng vụ…

Người phụ trách phòng thánh rửa sạch bình nước thánh ở cửa Nhà thờ và thêm nước thánh mới mỗi ngày thứ bảy; đối với bình nước thánh để rảy, nên cất bình và que rảy vào một chỗ xứng đáng trong tủ đồ lễ, không để vào xó góc của phòng thánh.

9. Các đồ vật trong Phụng Vụ(tiếp theo)

Nguồn: https://hdmenthanhgiagovap.info/hoc-hoi-nghien-cuu/phung-vu/cac-vat-dung-phung-vu-thong-thuong/

Đồ dùng Phụng Tự Công Giáo tại TPHCM

Jbcatholic chuyên về đồ dùng trong phụng tự cho nhà Dòng và Nhà Thờ tại TP. Hồ Chí Minh. Xin liên hệ để được chúng con tư vấn và báo giá về đồ dùng phụng tự bằng gỗ cho cộng đoàn!
Xem thêm các mẫu Đồ dùng Phụng Tự bằng gỗ đẹp tại đây

Đồ Dùng Phụng Tự Công Giáo TPHCM
———————————– 
QUÝ KHÁCH HÀNG QUAN TÂM XIN LIÊN HỆ:
☎ Hotline: 0967100809 – Mr. Mẫn

18 Đường Tam Bình, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức
🌐 Website: https://jbcatholic.com/

Xem video sản phẩm

Mời bạn đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *