Tượng Đức Mẹ Maria với lời Xin Vâng được khắc từ gốc rễ cây tự nhiên nghệ thuật
Lời “xin vâng” của Đức Mẹ Maria (Lc 26-38)
Trong sự vâng phục đức tin, chúng ta không thể không nhắc đến lời thưa “Xin vâng” của Đức Mẹ Maria, một mẫu gương hoàn hảo cho người tín hữu noi theo. Cả cuộc đời của Mẹ như là điểm quy chiếu cho một định nghĩa tròn đầy và sống động về đời sống đức tin.
Lời Chúa hôm nay cho hay: Tiếng “Xin vâng” (fiat) theo thánh ý Thiên Chúa đã bao trùm lên hành trình đức tin của Mẹ, nhất là trong biến cố Truyền Tin.
Trước hết, qua biến cố Truyền tin (x. Lc 1,26-38), lời “Xin vâng” của Đức Mẹ Maria vì thế vẫn là lời “xin vâng” trọn vẹn và vô điều kiện[1]. Tiếng “xin vâng” (fiat) của Đức Mẹ Maria, không chỉ dừng lại ở một sự đồng ý bình thường như bao người, một quyết định từ lý trí, nhưng vượt lên trên, đó là một thái độ của đức tin, một niềm tin tưởng phó thác cuộc đời cho ý định tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cách trọn vẹn (x. Lc 1,45)[2].
Đức Mẹ Maria nói lời: “xin vâng”, nghĩa là Mẹ sẽ chấp nhận những gì Sứ Thần nói: Mẹ sẽ mang thai và sinh một người con trai mà không do có sự can thiệp của đàn ông (x. Lc 1,35). Đây là một mầu nhiệm vô cùng lớn lao vì Đức Mẹ Maria được làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Lời thưa “xin vâng” của Đức mẹ Maria chỉ trong khoảnh khắc, nhưng nó có giá trị rất lớn đối với nhân loại.
Đúng như nhà thần học K.Rahner đã nhận định: “Trong một khoảnh khắc, một khoảnh khắc sẽ không bao giờ tàn phai, và sẽ có giá trị mãi mãi, lời của Đức Maria đã lời của nhan loại, và tiếng “xin vâng” của Người, là lời Amen của tất cả tạo thành trước tiếng “Fiat” của Thiên Chúa.
Tiếp đến, với lời thưa “Xin vâng” khởi đầu cho hành trình mang Con Chúa đến cho loài người, Đức Mẹ Maria đã lãnh trọn tình yêu nhưng không và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Qua Mẹ, tình yêu, lòng thương xót đó cũng dành cho tất cả loài người, nếu ta biết lắng nghe, vâng phục và thi hành Lời Chúa như Mẹ. Lời thưa “Xin Vâng” của Đức Mẹ Maria là điều kiện cần thiết để Ngôi Lời có thể đi vào nhân loại.
Đó chính là thái độ vâng phục trong đức tin của Đức Mẹ Maria trái nghịch với thái độ của Evà khi xưa. Cũng là phụ nữ như Evà, nhưng Đức Maria đã vâng phục rong khi Evà đã bất vâng phục. Và sự vâng phục của Mẹ đã mở đầu cho ơn cứu độ trong khi sự bất vâng phục của Evà đã mở đầu cho sự hư mất của loài người[3].
Vì thế, Đức Mẹ Maria đã nói lời “xin vâng”, một lời thưa rất âm thầm lặng lẽ, trong một thôn xóm quạnh hiu, trong căn nhà nhỏ bé, trong khung cảnh hoang vắng, trong tình cảnh nghèo hèn, trong sự tĩnh lặng và trầm mặc nội tâm. Có lẽ chính trong những điều kiện như vậy mà Chúa đã đến với Đức Mẹ Maria, cũng một cách kín nhiệm và lặng lẽ âm thầm, tất cả chỉ vì tình yêu. Hành động của tình yêu bao giờ cũng kín đáo, nhẹ nhàng, thâm trầm.
Tiếp theo, lời thưa “Xin Vâng” với lòng yêu mến cao vời và sự khiêm hạ tột cùng của Mẹ không những đã hứng lấy tràn trề sự sống mà còn chứa đựng chính Đấng ban sự sống. Đức Mẹ Maria đã trở nên dòng suối đầu nguồn của sự sống nhiệm mầu cho tất cả sinh linh. Mẹ đã góp phần vào ơn cứu độ thế giới, không phải qua việc hoàn thành công trình của mình, nhưng là dâng hiến bản thân mình, sẵn sàng phục vụ sáng kiến của Thiên Chúa.
Đúng như lời Thánh Gioan Damacenô đã ca tụng Mẹ: “Hỡi ái nữ đáng yêu của Thiên Chúa, Bông Hoa diễm lệ giữa thiên nhiên, Mẹ là con người, nhờ Mẹ mà bà mẹ tiên khởi của chúng ta là Evà đã được phục hồi. Nhờ có Mẹ sinh ra mà Evà sa ngã xưa kia nay được trỗi dậy. Ớ Nữ Tử toàn thiện, Ánh Sáng rạng rỡ của nữ giới! Evà đầu tiên đã phạm tội, đã làm cho mọi người phải chết, và bà đã đối đầu với Thiên Chúa chúng ta khi nghe lời con rắn.
Nhưng Đức Mẹ Maria thì trái lại, Mẹ đã trở thành Nữ Tì vâng phục thánh ý Thiên Chúa, đã làm cho rắn già lừa đảo kia phải thất vọng và Mẹ đã đem lại sự sống bất diệt cho con người”[4].
Cuối cùng, với lời thưa “Xin vâng”, Mẹ đã mở cánh cửa để Thiên Chúa đi vào trong thế giới của chúng ta; Mẹ trở thành Hòm Bia Giao Ước; trong Mẹ, Thiên Chúa đón nhận thân xác, trở thành một con người “cắm lều” giữa chúng ta (x. Ga 1,14)[5]. Như thế, trong biến cố Truyền tin qua lời thưa “Xin vâng”, Mẹ đã chính thức mang Lời đến cho nhân loại.
Đây chính là giây phút quyết định để Lời đi vào nhân loại qua việc cư ngụ trong lòng trinh nữ Maria. Do đó, khi Đức Mẹ Maria tự nguyện nói lời “Xin vâng” cũng là lúc Mẹ bước chân vào hành trình truyền giáo cách hữu hiệu qua việc đảm nhận lấy Lời dưới tác động quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đã tác động nơi Mẹ Maria bằng việc thánh hóa, biến đổi tâm hồn Mẹ thành cung điện xứng đáng để đón tiếp Ngôi Lời.
Nhờ Mẹ, Thánh Thần làm cho “loài người Chúa thương” được hiệp thông với Đức Kitô[6]. Điều này cho thấy Mẹ Maria là khuôn mẫu dạy cho chúng ta cách sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, cầu nguyện nhờ Thần Khí, để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn họa theo Lời hầu có thể rao giảng Lời cho tha nhân.
Bởi vì, trọn cuộc đời Mẹ Maria là lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Lời tuyên xưng ấy được thể hiện trong mối tương quan giữa Mẹ với Ba Ngôi được Công đồng Vaticanô II diễn tả: Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ là ái nữ của Chúa Cha và là cung điện của Chúa Thánh Thần[7].
Như vậy, trước Lời của Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria đã quảng đại đáp trả bằng sự vâng phục đức tin và trao ban Lời sự sống cho thế gian. Đức Maria đã để cho Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại, cắm lều giữa nhân loại. Do đó, ta có thể ví Đức Maria không những như là “cửa Thiên Đàng” mà còn là “cửa nhân loại”, vì Mẹ đã tự nguyện nói lời “xin vâng” để Thiên Chúa đến gặp gỡ nhân loại (x. Gl 4,4)[8].
Sự đáp trả của Mẹ mở ra niềm hy vọng lớn lao cho cả nhân loại, như lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong thông điệp Spe Salvi về Hy vọng Kitô giáo đã dạy: “Với tiếng thưa Vâng, Mẹ đã mở cánh cửa để Thiên Chúa đi vào thế giới của chúng ta; Mẹ trở thành Hòm Bia Giao Ước; trong Mẹ, Thiên Chúa đón nhận thân xác, trở thành một con người, ‘cắm lều’ giữa chúng ta (x. Ga 1,14)”[9].
Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.