Tượng Chúa Phục Sinh, Chúa Khải Hoàn, được khắc từ gốc rễ cây tự nhiên nghệ thuật
CHÚA SỐNG LẠI ĐỂ GIẢI THOÁT CON NGƯỜI KHỎI CHẾT
1* Chúa Phục Sinh là một biến cố lịch sử và siêu việt :
Đức Giêsu sống lại từ cõi chết là một sự kiện có thực, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính siêu việt dựa vào ngôi mộ trống và những lần hiện ra.
Ngôi mộ trống tự nó không chứng minh được việc Chúa Phục Sinh, vì có thể xảy ra trường hợp đánh cắp xác đi nơi khác; lúc đầu chính các môn đệ cũng nghĩ như vậy (Ga 20,1-2). Song căn cứ vào những lần Chúa Giêsu hiện ra (Ga 20,11-29), các môn đệ đã nhận ra Thầy của mình, người mà họ đã từng gặp gỡ, ăn uống, đi lại bây giờ đã sống lại thực.
Rất nhiều người không tin chuyện Chúa Phục Sinh, riêng các môn đệ thì xác tín và rao giảng đức tin Phục Sinh bất chấp mọi nguy hiểm và cả cái chết. Rõ ràng đã có một sự thay đổi lớn lao nơi các tông đồ là những chứng nhân trực tiếp, và vẫn còn tác động trên các tín hữu mọi thời mọi nơi (1Cr 15,1-11).
2* Chúa Phục Sinh mang lại Tin Mừng cho nhân loại
Nếu không có sự sống lại thì cuộc đời này thật phi lý, vì cái chết sẽ cào bằng tất cả, kẻ gian ác cũng như người lành thánh. Nếu Đức Giêsu không sống lại từ cõi chết thì dù cái chết ấy có mang một ý nghĩa cao đẹp mấy đi nữa, cũng không có giá trị cứu độ con người (1Cr 15,14).
Đã là người thì ai cũng phải chết, nhưng đã có một người trong số con cái loài người, sống lại từ cõi chết; điều đó lại chẳng làm cho chúng ta nuôi hy vọng hay sao ? Vì thế, việc Chúa Giêsu Phục Sinh từ cõi chết là một đại Tin Mừng mang hy vọng rực rỡ nhất (1Cr 15,16-24).
3* Tin Mừng Phục Sinh lại khởi đi từ con đường thập giá :
Tội lỗi đã vô hiệu hoá mọi khả năng sống đời đời và sống hạnh phúc của con người bằng cái chết vĩnh viễn. Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, chiến thắng của Ngài không còn là của riêng Ngài nữa, mà là gia tài của toàn thể nhân loại, của những ai là đồng loại với Ngài.
Không thể có sự sống lại mà trước đó không đi vào cái chết. Cái chết vẫn cứ đến với mỗi người, song con người sẽ không bị quăng vào cõi tiêu diệt đời đời, nhưng như hạt lúa gieo vào lòng đất phải thối nát đi mới đâm mầm nảy mộng, mới hy vọng có ngày trổ sinh nhiều bông hạt.
4* Tin Mừng Phục Sinh chỉ hoàn tất vào ngày cánh chung :
Chúa Kitô Phục Sinh sẽ chỉ trở lại trần gian này một lần nữa vào ngày tận cùng của thế giới này ‘để phán xét kẻ sống và kẻ chết’ (Quang Lâm). Thực ra Thiên Chúa muốn cho hết mọi người được hưởng hạnh phúc đời đời, và không muốn nghiêm phạt một ai. Ngài chỉ cản ngăn tội lỗi mà con người mang theo. Vì thế cần có sự thanh luyện trước khi về với Thiên Chúa là Đấng chí thánh, và ta thường gọi là ‘luyện tội’.
Những ai không sống trong ân phúc của Chúa và tới giờ phút cuối cùng vẫn cố tình từ chối tình thương vô bờ của Chúa thì không thể tồn tại trong Chúa; và người ta gọi họ là những kẻ bị án phạt hoả ngục đời đời. Còn những ai được thanh luyện sẽ trở nên giống Thiên Chúa, chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa, và chúng ta quen gọi là Thiên Đàng.
Thiên Đàng không phải là một nơi chốn mà chỉ là một tình trạng được hạnh phúc ở trong Thiên Chúa (thiên đàng). Chỉ có Thiên Chúa là tồn tại mãi mãi, nên ngoài Thiên Chúa thì chẳng còn gì nữa, mà chỉ là hư mất đời đời (hoả ngục).
Theo niềm tin của người Công Giáo, chết là linh hồn lìa khỏi xác. Hồn bất tử vì do Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng và phú ban cho con người khi đầu thai, song trước khi hồn trở về với Chúa phải được thanh luyện. Xác tan rã dưới lòng đất, chờ ngày tận thế sống lại kết hợp với hồn để có thể hưởng hạnh phúc đời đời.
Chúng ta tin là tin vào Thiên Chúa, chứ không phải hoả ngục, mà ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’, nên chúng ta có quyền hy vọng không có ai bị kết án đời đời. Đó là một Tin Mừng mà chúng ta cần phải gia tăng lời cầu nguyện bằng các việc lành và dâng lễ cầu cho mọi người, đặc biệt những người đã khuất.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, cái chết là tin buồn cho loài người, song con tin rằng “Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Reviews
There are no reviews yet.