THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ
“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 16)

Trong những vị Tông Đồ đi theo Chúa, người nói về tình yêu nhiều nhất là Thánh Gioan Tông Đồ. Chủ đề tình yêu là tư tưởng xuyên suốt trong các tác phẩm cũng như cuộc sống của ngài. Ngài là con một người rất đặc biệt trong nhóm Mười Hai vì diễm phúc được Chúa mặc khải những mầu nhiệm huyền bí cao siêu và được mệnh danh là vị Tông Đồ của tình yêu. Ngài cũng là người đầu tiên đưa ra “định nghĩa” “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8, 16).

Đôi dòng tiểu sử

Thánh Gioan tông đồ

Thánh Gioan quê ở Bethsaiđa, xứ Galilêa. Thánh Gioan như nhiều Tông đồ khác, trước khi được Chúa mời gọi, đã làm nhiều nghề khác nhau trong xã hội Do Thái lúc đó. Có vị làm nghề lao động chân tay, làm vườn, có vị làm nghề thu thuế và hầu hết các Tông đồ trước kia làm nghề chài lưới. Thánh Gioan đã cùng cha của mình là Giêbêđê và anh là Giacôbê làm nghề chài lưới.

Tin Mừng có đoạn đã thuật lại việc hai ông Giacôbê và Gioan có lẽ đã xúi mẹ mình tới xin xỏ với Chúa Giêsu: một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Chúa Giêsu trong nước của Chúa ( Mt 20, 21 ).

Gioan là một trong số mười hai Tông đồ được Chúa Giêsu yêu thương nhất vì rằng Gioan và Phêrô đã được chứng kiến phép lạ Chúa làm cho con gái ông Zairô sống lại. Thánh Gioan, Giacôbê và Phêrô đã từng được hưởng giờ phút ngây ngất trên núi Tabôrê khi Chúa biến hình( Mt 16, 1-8; Mc 9,2-8; Lc 9, 28-36 ) và các Ngài cũng được thông chia, hiệp thông giây phút đau khổ nhất của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu ( Mt 26, 36- 42 ).

Thánh Gioan cũng được hạnh phúc tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly và dưới chân Thập Giá, thánh Gioan đã được hạnh phúc lớn lao, Chúa Giêsu trối Ðức Mẹ cho Người và ngược lại:” Ðây là Mẹ của con “( Ga 20, 27 ).Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Thánh Gioan còn được hân hạnh thông báo cho thánh Phêrô biết Chúa đã phục sinh trong buổi sáng Chúa Giêsu sống lại ( Ga 20, 1-10 ).

Tại sao Thánh Gioan là người môn đệ Chúa yêu?

Tại sao Gioan lại được Chúa để mắt đến như vậy? Sao ngài lại đặt cho mình danh xưng như thế? Còn các tông đồ khác thì sao, lẽ nào các vị ấy lại không được Đức Giêsu yêu mến. Thánh Phêrô đã được Đức Giêsu chất vấn đến ba lần với cùng một câu hỏi: “Con có yêu mến thầy không?” Và lần lượt thánh nhân đã tuyên xưng lòng yêu mến với Thầy mình một cách xác tín mạnh mẽ. “Lạy Thầy, Thầy thông biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Nhưng tại sao Gioan lại được mệnh danh là môn đệ Chúa yêu? Đó là một câu hỏi mà chỉ có Thầy Giêsu mới trả lời chính xác nhất.

Thánh Gioan, người môn đệ Chúa yêu

Xuất thân là một ngư phủ, chắc hẳn Gioan là người ít học, thô kệch, không có tài ăn nói và những suy tư thần bí. Ngài cũng bị nhiều cám dỗ, tham vọng quyền lực và địa vị trần gian khi ôm mộng theo Thầy Giêsu. Ngài đã từng mang ý niệm Thầy mình là Đấng Mêsia, một vị anh hùng được Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Ngài chờ ngày Thầy lên ngôi tái lập vương quyền, trị vì đất nước.

Ngài và anh mình là ông Giacôbê đã xin cùng Thầy cho được ngồi hai bên tả hữu của Thầy khi Thầy được vinh quang. Nhưng lời dạy của Thầy Giêsu mỗi ngày một sáng tỏ và tình yêu của Ngài đã chạm đến tận sâu tâm hồn của ngài. Trải qua từng biến cố ghi đậm ý nghĩa sâu sắc vào tâm hồn, ngài đã dần ý thức được những đòi hỏi trên con đường theo Chúa mà không ngừng được lớn lên trong đức tin, trưởng thành trong sự hiểu biết và sâu sắc trong tình yêu.

Chúng ta có thể nhận thấy sự biến đổi mạnh mẽ nơi con người của ngài. Ngài trở nên dịu dàng, điềm tĩnh không còn nông nổi, nóng nảy như trước. Ngài học được đức ái chân thật để cảm nếm được sự ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa. Ngài đã được diễm phúc tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly (x. Ga 13, 23. 25; 21, 20).

Đó quả là một ân huệ lớn lao, một phần thưởng tuyệt vời Chúa dành cho Gioan. Hơn nữa, Thầy Giêsu yêu thương ngài cách đặc biệt vì sự trong trắng, nhiệt tâm và thành tín của ngài. Trong suốt hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, ngài đã luôn kề vai sát cánh và không rời Thầy mình.

Thánh Gioan đã làm chứng cho chúng ta bằng một đời sống liên kết mật thiết với Thiên Chúa. Ngài đã chia sẻ kinh nghiệm phong phú về tình yêu, về những giá trị chân lí cao siêu để chúng ta cũng được thông hiệp với ngài trong Đức Kitô. Con đường thánh Gioan đã đi được rập theo khuôn mẫu con đường của Chúa Giêsu là con đường tình yêu, hi sinh phục vụ. Đó cũng chính là con đường của mỗi người chúng ta phải bước tới để được hưởng vinh phúc muôn đời. Chỉ có con đường Giêsu mới dẫn ta vượt qua sự chết đạt tới ơn cứu độ.

Đã rất nhiều lần chúng ta được nghe, được nói về tình yêu và hơn một lần cảm nghiệm được tình yêu. Yêu và được yêu là nhu cầu cốt lõi, là khát vọng sâu xa nhất của con người. Tình yêu thì bao la, huyền nhiệm mà con người thì hữu hạn mong manh.

Trước khi chúng ta sinh ra, tình yêu đã có, khi chúng ta chết đi, tình yêu vẫn trường tồn. Tình yêu làm cho con người vốn tầm thường trở nên cao cả và vĩ đại. Tình yêu làm nên phẩm giá của nhân vị vì con người mang hình ảnh Thiên Chúa nhờ biết yêu thương và cội nguồn của tình yêu là Thiên Chúa.

Chập chững bước theo Chúa trong ơn gọi Thánh Hiến, tôi say mê dệt đời mình trong tình yêu với Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, Đấng mà tôi chọn làm đối tượng duy nhất với mong muốn trở thành nữ tu có tâm hồn thật dễ thương và được Chúa thương mến.

Nhưng, liệu rằng giữa phong ba bão táp, giữa những thay đổi chóng mặt của cuộc đời tôi có đủ can đảm tuyên xưng và sống làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Miệng tôi có thốt lên được rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu, là đối tượng duy nhất tôi hướng đến không?”

5 điểm trong kinh Thánh về người môn đệ Chúa yêu

Hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa

Bữa tiệc ly

Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, sau đó Người nói : một người trong anh em sẽ nộp Thầy (x.Ga 13,21). Các môn đệ phản ứng về lời loan báo của Đức Giêsu. Trong bối cảnh này người Môn Đệ Chúa Yêu xuất hiện lần đầu tiên trong Tin Mừng (x.Ga 13,22-26).

Thánh Phêrô đưa mắt làm hiệu cho người Môn Đệ Chúa Yêu, và người này hiểu được ý của người anh cả Phêrô của mình, đồng thời cũng là vị bề trên của mình, lập tức ông nghiêng đầu vào ngực Chúa Giêsu. Thực ra chỉ cần nghiêng qua hỏi nhỏ Chúa là đủ rồi : “Thưa Thầy, Thầy nói về ai vậy ?”.

Vậy người Môn Đệ Chúa Yêu gục đầu vào ngực Chúa đó là hình ảnh của người môn đệ lắng nghe tiếng nói của trái tim, lắng nghe niềm tâm sự của Chúa Giêsu.

Vậy thái độ của người Môn Đệ Chúa Yêu hướng lòng về niềm tâm sự của Chúa, lắng nghe cuộc khổ nạn của Chúa không phải chỉ dừng lại năm xưa mà thôi, mà người môn đệ đó phải luôn luôn đồng cảm với Hội Thánh bị bách hại trong mọi thời đại.

Bên thánh giá, cùng với Đức Mẹ lãnh nhận Thần Khí

Thánh Gioan và Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá

Người Môn Đệ Chúa Yêu bên thập giá Chúa Giêsu. Ở đây, chúng ta lại thấy một nét hết sức tế nhị, tinh tế của người Môn Đệ Chúa Yêu. Đọc kỹ phúc âm, chúng ta thấy thánh Gioan nói rằng : “Đứng bên Thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, bà Maria Clêôpat, Maria Magđala. Trông thấy Mẹ và bên cạnh có người Môn Đệ Ngài Yêu, Ngài liền nói : Thưa Bà, đây là con bà. Này là mẹ con” (Gn19, 26).

Và như vậy có nghĩa là, khi tường thuật về sự hiện diện của những người bên Thập giá Chúa Giêsu, thánh Gioan cố tình không ghi lại sự hiện diện của người Môn Đệ Chúa Yêu, chỉ có Đức Mẹ, bà Maria Clêôpat, Maria Magđala. Vậy người Môn Đệ Chúa Yêu đứng ở chỗ nào bên Thập giá của Chúa Giêsu ?

Vì vậy, dưới chân Thập giá, Người Môn Đệ Chúa Yêu chịu xoá mình đi, nhưng ngài đã đón nhận Đức Maria là người mẹ thiêng liêng của mình để như một dấu chỉ mình được tái sinh trong nước và Thánh Thần, được tái sinh trong cái chết của Chúa Giêsu.

“Tôi đã thấy và tôi đã tin”

Tôi thấy và tôi đã tin

Người Môn Đệ Chúa Yêu trong Mầu Nhiệm Sống lại của Chúa Giêsu. Trong chương 20, thánh Gioan tường thuật : “Sáng sớm, Maria Magđala chạy ra thăm mồ lúc trời còn tối”. Một đàng là sáng rồi nhưng ngài vẫn cố tình nói : lúc trời còn tối, có nghĩa là Maria Magđala chạy ra theo cảm tính của con người thế gian, nên chỉ thấy ngôi mộ trống.

Bà thấy mồ trống, chạy về nhà loan báo cho những người trong nhà, tức thì Phêrô và người môn đệ Chúa yêu chạy ra mồ. Người Môn Đệ Chúa Yêu chạy tới trước, ông đã thấy băng vải còn đó, nhưng ông không vào, đợi Phêrô vào, Phêrô nhìn mọi sự, thấy khăn liệm của Chúa Giêsu để qua một bên, khăn trùm đầu được xếp lại một chỗ, có nghĩa là sự chết không khống chế được con người Chúa Giêsu.

Sau đó Người Môn Đệ Chúa Yêu mới bước vào. Ông đã thấy và ông đã tin. Thực vậy, ở Ga 20,8, hành động tin của Người Môn Đệ Chúa Yêu không có túc từ. Điều này cho phép hiểu tin theo nghĩa rộng hay theo nghĩa tuyệt đối. “Tin” không kèm theo túc từ ámchỉ tới mọi khía cạnh của lòng tin.

Có thể hiểu Người Môn Đệ Chúa Yêu không chỉ tin Đức Giêsu, tin vào những lời Đức Giêsu đã nói, tin rằng Đức Giêsu là Đấng Đức Chúa Cha sai đến, tin Đức Giêsu là Đấng có khả năng ban sự sống đời đời; mà còn tin ở mức độ cao nhất là tin rằng Đức Giêsu là “Chúa” và là “Thiên Chúa” như lời Tôma tuyên xưng trước Đấng Phục sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” (Ga20,28).

Trước ngôi mộ trống, người đọc nhận ra phẩm chất của Người Môn Đệ Chúa Yêu về sự gắn bó với Chúa Giêsu. Trình thuật cho thấy môn đệ này: đến trước, thấy trước và tin trước.

Sống chan hòa trong Hội Thánh

Người Môn Đệ Chúa Yêu sống chan hòa trong Hội Thánh. Chương 21 câu 7 : Phêrô cùng với các bạn vất vả suốt đêm không được con cá nào. Chán nản ! Gặp một người ở trên bờ bảo rằng : “Hãy quăng lưới bên hữu”. Phêrô đã quăng lưới bên hữu và kéo lên, cá nhiều cho đến độ lưới hòng rách, phải nhờ nhiều người khác nữa đến để phụ giúp. Người Môn Đệ Chúa Yêu nói với Phêrô ‘Chúa đó’.

Vâng trong Hội Thánh, Người Môn Đệ Chúa Yêu nâng đỡ, không những nâng đỡ anh em mình, mà đặc biệt nâng đỡ bề trên của mình, Đấng có trách nhiệm của mình. Nếu suy nghĩ cho kỹ, chúng ta thấy bề trên của chúng ta trong Giáo Hội nhiều gánh nặng vô cùng. Vâng, Người Môn Đệ Chúa Yêu nâng đỡ anh em, bảo vệ bề trên của mình, và điều này chúng ta thấy Người Môn Đệ Chúa Yêu thật đáng khâm phục.

Hướng về ngày Chúa quang lâm

Và cuối cùng đó là câu nói của thánh Phêrô, sau khi Chúa nói rằng “Con hãy theo Ta”, và tác giả Tin Mừng thứ tư nói “theo” Đức Kitô tức là đi đến cái chết. Khi biết như vậy rồi, lúc con đã lớn tuổi, người ta thắt lưng cho con và dẫn đến nơi con không muốn đến. Phêrô chấp nhận sứ mạng đi theo Chúa cho đến cùng ; rồi ông quay lại thấy Người Môn Đệ Chúa Yêu : Dạ con thì như vậy rồi ,còn anh bạn con thì sao ? Chúa nói : “Nhưng Thầy muốn nó còn tồn tại cho đến ngày Thầy trở lại thì việc gì đến con”.

Nghe lời đó, có lời đồn Người Môn Đệ Chúa Yêu không chết. Thánh Gioan nói không phải ! Chúa không nói như vậy ! Chúa chỉ nói Người Môn Đệ Chúa Yêu tồn tại cho đến ngày Chúa trở lại. Vâng chúng ta thấy rất rõ, những ai gắn bó với mầu nhiệm khổ nạn của Chúa, với Thánh Giá của Chúa, thì đón nhận Đức Mẹ và Thánh Thần.

Những ai sống trong đức tin của Phêrô, những ai nâng đỡ anh em, đặc biệt nâng đỡ Hội Thánh trong những lúc gặp khó khăn thử thách, người đó luôn luôn như là dấu chỉ hồng ân Chúa ban cho Hội thánh ; để hiện diện hết thế hệ này đến thế hệ kia cho đến ngày Chúa trở lại!

3 điều chúng ta có thể học từ Thánh Gioan

Thánh Gioan dưới chân thập giá

Tình bạn chân thật và sự tận tâm

Trước hết, Thánh Gioan là một mẫu gương của tình bạn chân chính và lòng sùng kính Chúa của chúng ta. Từ những gì được tiết lộ trong Kinh thánh, chúng ta biết rằng Thánh Gioan đã có mặt tại các sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu, bao gồm Biến hình, Thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa bị đóng đinh và khám phá ra sự Phục sinh. Người ta nói rằng John “nằm trong lòng Chúa” trong Bữa Tiệc Ly. Chính Thánh Gioan đã hỏi Đấng Cứu Thế ai sẽ là kẻ phản bội Ngài.

Khiêm tốn, chân thật

Chúng ta cũng có thể học sự khiêm tốn từ Thánh Gioan. Chúng ta thoáng thấy sự khiêm nhường này sau khi Phục sinh.

Thánh Gioan đã ở với Thánh Phêrô khi Maria Mađalêna đến gặp họ sau khi nhìn thấy ngôi mộ trống. Cả Thánh Gioan và Thánh Phêrô chạy đến ngôi mộ, nhưng Thánh Gioan chạy nhanh hơn vì ngài ấy trẻ hơn. Tuy nhiên, khi Thánh Gioan đến mộ ngài đã đợi Thánh Phêrô ở ngoài rồi theo ông vào căn phòng trống nơi đặt hài cốt Chúa Kitô. Rõ ràng là Thánh Gioan đã hành động trong sự khiêm tốn và tôn trọng. Ngài để Thánh Phêrô người mà Chúa Giêsu đã chọn làm lãnh đạo của các tông đồ — vào trước.

Niềm tin thánh thiện

Cuối cùng, chúng ta có thể học được một sự xác tín thánh thiện từ Thánh Gioan, vì ngài là người đầu tiên nhận ra Chúa Phục Sinh tại Hồ Tiberias: 

Sau những điều này, Chúa Giêsu lại hiện ra với các môn đồ bên bờ biển Ti-bê-ri-a; và anh ấy đã thể hiện mình theo cách này. Cùng nhau tụ tập ở đó có Si-mon Phê-rô, Tô-ma tông đồ, Nathanaen xứ Cana ở Galilee, các con trai của Zebedee, và hai môn đệ khác của ông. Si-mong Phê-rô nói với họ, “Tôi đi đánh cá.” Họ nói với ông, “Chúng tôi sẽ đi với ông.” Họ ra khơi và xuống thuyền, nhưng đêm đó họ không bắt được gì.

Vừa rạng đông, Chúa Giêsu đứng trên bãi biển; nhưng các môn đệ không biết đó là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với họ, “Các con ơi, các con không câu được cá sao?” Họ đáp: “Không.”  Ngài bảo họ, “Hãy thả lưới bên hữu thuyền, thì sẽ được.” Vì vậy, họ thả nó xuống, và bây giờ họ không thể kéo nó lên vì có quá nhiều cá. 

Người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến nói với Phêrô: “Chúa đó!” Khi Si-mong Phê-rô nghe biết Chúa đó, thì mặc áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Nhưng các môn đệ khác chèo thuyền đến, kéo theo mẻ lưới đầy cá, vì họ ở cách bờ không xa lắm, chỉ độ một trăm thước.—GA 21:1-8

Tưởng tượng nếu cuộc đời Chúa Giêsu là những bức ảnh được chụp lại, thì chúng ta có thể nói chắc chắn rằng trong những bức ảnh đó, chúng ta sẽ luôn thấy Thánh Gioan đang đứng bên cạnh Người.

Đó là lý do tại sao, mặc dù có nhiều danh hiệu được trao cho Thánh Gioan, chẳng hạn như “Tông đồ của lòng Bác ái”, “Thánh sử Phúc âm” và một trong những “Con trai của Sấm sét”, danh hiệu nói nhiều nhất về người môn đệ Chúa Giêsu Kitô là “Thánh Gioan, người mà Chúa Giêsu yêu mến.” Chính với danh hiệu này, Thánh Gioan được biết đến như là vị thánh bảo trợ của tình yêu, lòng trung thành và tình bạn. 

Tổng kết

Thánh Gioan người môn đệ Chúa yêu

Suốt cuộc đời của thánh Gioan từ khi Chúa kêu gọi ông, cho tới khi Ông nhắm mắt lìa đời, lúc nào thánh Gioan cũng được ở gần bên Chúa và lúc nào Ông cũng được chứng kiến những việc Chúa làm. Vì được Chúa yêu như thánh Gioan tự giới thiệu:” người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến”( Ga 13, 23; 19, 26; 20, 2.). Thánh Gioan đã làm chứng rằng Ngài sống bên Chúa, cùng ăn, cùng phục vụ với Chúa(Ga 21, 13 ).

Thánh Gioan là một trong vài người đã thấy ngôi mộ trống và là một nhân chứng cho biến cố phục sinh. Ðời sống của thánh Gioan quả thật đặc biệt, thánh Augustinô đã nói:” Từ trong lồng ngực Chúa, Gioan đã tìm thấy nguồn suối ban cho chúng ta thứ nước không còn khát và sự hiểu biết”. Origênê kết luận:” Chỉ có con người được dựa vào ngực Chúa và được Chúa trao cho Mẹ Maria mới có thể hiểu” mọi bí nhiệm của Thiên Chúa.

Thánh Gioan đã “thấy và tin”. Ngày nay chúng con cần “tin để thấy”, để yêu. Chúa ơi! hôm nay chúng con thấy gì trong một tấm bánh trắng đơn sơ mỏng manh? Tấm Bánh ấy làm lòng con tan chảy, con được thấy, được gặp gỡ Đấng mà lòng con yêu mến với hạnh phúc ngọt ngào, trào tràn khiến mắt con tuôn trào suối lệ. Chiêm ngắm Chúa trong mùa Giáng Sinh này, con càng cảm nhận thấy tình yêu không bến bờ của Chúa. Xin cho đời con thành lời chứng cho mọi người nhận ra và yêu mến Chúa hơn.

Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Gioan Tông đồ để mạc khải mầu nhiệm Ngôi Lời cho chúng con. Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng con thấu hiểu những chân lý cao siêu thánh nhân đã truyền lại.

Đôi nét về Shop Công Giáo online

Jbcatholic chuyên về các tác phẩm điêu khắc và nghệ thuật bằng gỗ và composite như: điêu khắc tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse, Thánh Gia, các Thánh, Thiên thần…
Jbcatholic mong muốn với những nỗ lực của tập thể, sẽ giúp thăng hoa thêm cho đời sống đạo của đại cộng đồng dân Chúa.
Xem thêm các mẫu tượng Thánh Gioan đẹp tại đây

Mời bạn đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *