Các đồ vật dùng trong phụng vụ là những vật dụng được sử dụng trong các nghi thức phụng vụ của Giáo hội Công giáo. Các vật dụng này có ý nghĩa biểu tượng, giúp các tín hữu tham dự phụng vụ ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa và ý nghĩa của các nghi thức.

1. Tòa giải tội

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ
Tòa giải tội

Toà giải tội là nơi Linh mục cử hành Bí tích Giải tội ban ơn tha thứ cho hối nhân. Nó cũng nơi Linh mục tha vạ, và trả lời những câu hỏi, hay hướng dẫn về mặt luân lý, đạo đức cho từng hối nhân.

Toà giải tội có ba phần chính:

Tấm màn đứng bằng gỗ được trang trí đơn giản hay mỹ thuật, trên đó có chừa một khoảng rộng có đục lỗ hoặc gắn song gỗ, để hối nhân và Linh mục có thể nói và nghe nhau. Tòa Giải tội có treo màn. Màn này có mục đích che mặt Cha giải tội để hối nhân không nhìn thấy ngài khi xưng thú tội lỗi. Trên đỉnh tấm ván đứng, có gắn hình Thánh giá để nhắc nhở chính Chúa Giêsu đã chết trên Thánh giá để tha tội cho nhân loại.

Một bàn quỳ, để hối nhân quỳ xưng tội. Bàn quỳ này thường gắn liền với toà giải tội.

Ghế Linh mục ngồi giải tội.

Tòa Giải tội là nơi cử hành Bí tích, nên ta phải lau chùi sạch sẽ, đặc biệt lau bụi ở bàn quỳ và ghế Linh mục. Nên giặt sạch màn treo. Khi móc màn lại, cần móc bốn góc kẻo gió đánh bay. Khi có đông người xưng tội -thường vào chiều thứ bảy- ta nên dọn một chai nước nhỏ cho Linh mục.

Cũng nên lưu ý đừng dọn Toà Giải tội sát bậc cấp, vì khi xưng xong hối nhân đứng lên, dễ mất thăng bằng. Khi các em nhỏ vào tòa, ta nhắc các em phải đứng khi xưng, để miệng các em không ở quá thấp làm Cha giải tội không nghe được lời xưng thú.

2. Áo lễ

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ
Áo Lễ

a. Màu áo lễ

Màu sắc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Chúng ta được bao quanh bởi màu sắc ở khắp mọi nơi, từ thiên nhiên, cảnh quan, đến đồ vật, quần áo, đồ dùng,… Màu sắc không chỉ mang lại vẻ đẹp cho cuộc sống mà còn có những tác động đặc biệt đến tâm trạng, cảm xúc và hành vi của con người.

Mỗi màu sắc đều có những ý nghĩa và cảm xúc riêng biệt. Một số màu sắc được cho là có tác dụng tích cực, giúp tinh thần phấn chấn, vui vẻ, như màu vàng, màu xanh lá cây, màu cam,… Một số màu sắc khác lại có thể gây căng thẳng, mệt mỏi, như màu đỏ, màu đen, màu xám,…

Trong Phụng vụ, màu cơ bản của áo lễ là màu trắng, đen, xanh, đỏ, tím, hồng. Các màu nầy có một chỗ đứng quan trọng, vì nhìn vào màu sắc Phụng vụ, người ta có thể xác định và hiểu được ý nghĩa của một cử hành. Việc sử dụng màu sắc phù hợp với Phụng vụ chỉ được quy định rõ ràng từ khoảng nửa sau của thế kỷ 12.

Màu trắng:

Ngay từ trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế (x. St 1, 3-5), Kinh Thánh đã đối lập hai màu cơ bản là sáng và tối. Không có màu nào sáng hơn màu trắng, không có màu nào tối hơn đen.

Trong Tân Ước, khi kể lại sự kiện Chúa Giêsu hiển dung trên núi, thánh Matthêô ghi: “Mặt Người sáng như mặt trời, y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”(Mt 17,2). Áo mà hai thiên thần mặc trong ngày Chúa Giêsu sống lại, là áo trắng. Sách Khải huyền cũng nói áo của đoàn người cầm nhánh lá chiến thắng trên tay, là áo trắng.

Màu trắng được xem là ánh sáng của mặt trời, bao gồm mọi màu khác.

Màu trắng biểu tượng cho sự vinh thắng, sự trinh bạch tinh tuyền.

Mùa trắng là màu áo của các Thiên thần, các thánh và sự Phục sinh.

Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu màu trắng.

Chúa Kitô được gọi là Chiên vượt qua. Đó cũng là một con chiên lông trắng.

Trong Phụng vụ, lễ phục trắng diễn tả sự tươi sáng, vinh quang của Thiên Chúa và sự sáng ngời của tất cả những gì liên quan đến Thiên Chúa, đồng thời cũng nói lên sự trong trắng tinh nguyên. Đó là màu của Phục sinh.

Chủ tế mặc lễ phục màu trắng trong mùa Phục sinh, mùa Giáng sinh, lễ Chúa Ba Ngôi, lễ Mình Thánh Chúa, lễ Chúa Kitô Vua, trong các lễ kính Đức Mẹ và kính các thánh không chịu tử đạo, lễ kính các Thiên thần, lễ Rửa tội, Hôn phối, Truyền chức thánh.

Màu đỏ:

Trong tất cả các màu, màu đỏ là màu rực rỡ nhất và gây ấn tượng mạnh nhất trên thị giác.

Trong Kinh Thánh, màu đỏ là màu của tội, của sự đền bù tội lỗi và cũng là màu của máu hiến tế. Màu đỏ cũng gợi lên hình ảnh lửa.

Trong Phụng vụ, đặc biệt trong Phụng vụ Thánh lễ, màu đỏ biểu tượng cho máu, cho tình yêu nồng thắm.

Màu đỏ dẫn đưa trí khôn chúng ta nghĩ về Máu thánh Chúa Kitô, về sự sống và tình yêu của Ngài trao ban cho chúng ta. Cho nên màu đỏ đóng vai trò dẫn đường cho chúng ta đi vào gặp gỡ Thiên Chúa trong tình yêu nồng thắm.

Lễ phục đỏ diễn tả tình yêu nồng cháy, sức mạnh chiến thắng, quyền lực và phẩm giá cao quý của máu đổ ra vì tình yêu.

Chủ tế mặc lễ phục đỏ trong Chúa nhật Lễ lá, thứ Sáu Tuần Thánh, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, lễ Thêm sức, lễ các thánh Tông đồ và các thánh tử đạo.

Màu xanh lá cây:

Màu xanh lá cây (màu lục) là màu của thiên nhiên, của sự sống thảo mộc phủ khắp mặt địa cầu và là biểu tượng của sự sống đang phát triển. Màu xanh cũng diễn tả niềm hy vọng tràn trề.

Trong Kinh Thánh, màu xanh xuất hiện trong ngày Chúa cho cây cối mọc lên từ mặt đất: “Thiên Chúa phán: đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, có mang hạt giống. Và đất đã trổ sinh thảo mộc mang hạt giống tuỳ theo loại” (St 1, 11-12).

Đối với tiên tri Isaia, màu xanh biểu tượng sự hồi sinh và lớn mạnh: “Vui lên nào hỡi sa mạc, đồng khô cỏ cháy hãy mừng rỡ trổ bông. Sa mạc khô cằn hãy trở nên xanh tươi”.

Tiên tri Joel xem màu xanh là dấu hiệu chúc lành của Thiên Chúa ban cho con người và các thụ tạo của Ngài: “Hỡi đất đai, đừng sợ, hãy hoan hỷ reo mừng. Hỡi thú vật đồng nội, chớ sợ hãi vì hoang địa lại xanh tươi, cây cối lại đơm bông kết trái”.

Trong Phụng vụ, màu xanh lá cây của áo lễ diễn tả sự sống, sự sống hồi sinh, niềm hy vọng, sự tươi trẻ, niềm bình yên.

Lễ phục màu xanh được dùng trong mùa Thường niên để nói lên đời sống thường nhật của Kitô hữu chứa đầy sức sống và tràn trề hy vọng.

Màu tím:

Màu tím là màu gợi lên nỗi buồn thương, nhớ nhung, sầu muộn.

Đây là màu của trầm lắng và yên tĩnh, của thống hối và ăn năn.

Tuy nhiên, màu tím cũng là màu của áo nhà vua và của các vị có chức cao quyền trọng, là màu của bức trướng (x. Xh 26, 31), của lễ phục các tư tế (x. Xh 28, 5), của 10 tấm thảm trước Nhà tạm (x. Xh 26, 2).

Trong Phụng vụ, màu tím gắn liền với tâm tình ăn năn đền tội. Cho nên khi Phụng vụ mang màu tím, bầu khí buổi cử hành tràn ngập tâm tình thống hối ăn năn và mang ước vọng được đến trước tôn nhan Chúa với những thiếu sót lầm lỗi của mình để xin Chúa đoái thương nhìn đến.

Màu tím cũng được dùng trong thời gian tĩnh thức và chờ đợi trong Mùa Vọng, Mùa Chay là hai mùa thống hối chuẩn bị mừng đại lễ Giáng sinh và Phục sinh.

Chủ tế mang lễ phục tím trong ngày thứ tư Lễ Tro, trong suốt Mùa Vọng và Mùa Chay và trong Thánh lễ cầu cho người qua đời.

Màu vàng:

Màu vàng tượng trưng sự cao sang quyền quý, bởi màu vàng hướng suy nghĩ của con người về một thứ kim loại quý là vàng. Vì đó, các vị vua Việt Nam mang y phục màu vàng, gọi hoàng bào.

Kinh Thánh dùng hình ảnh lóng lánh sắc vàng để diễn tả sự cao sang, rực rỡ của Thiên Chúa. Hòm bia Giao ước được bọc cả trong lẫn ngoài bằng vàng ròng (x. Xh 25, 1). Nắp bàn Xá tội, hai tượng thiên thần hộ giá, bàn để bánh trưng hiến, trụ đèn, khung lều, hương án và phẩm phục của tư tế cũng bằng vàng (x. Xh 25-30). Khi Vua Salômôn xây Đền thánh Giêrusalem, ông đã cho dát vàng nơi Cực thánh và Bàn thờ (x. 1 V 6, 19-22).

Trong Tân Ước, vàng là lễ vật được coi là quý giá dâng lên Chúa Hài Đồng (x. Mt 2,11). Thành thánh Giêrusalem trên trời được làm bằng vàng y (x. Kh 21,18).

Phụng vụ Giáo hội cũng khuyến khích dùng các vật dụng phụng vụ bằng vàng hoặc mạ vàng, để diễn tả sự huy hoàng cao sang của Thiên Chúa, như chén thánh, bình thánh, dĩa thánh …

Màu trắng và màu vàng là hai màu có độ tươi sáng gần nhau. Trong quang phổ, màu vàng là màu tỏa sáng nhiều nhất, rực rỡ nhất; do đó, màu vàng là biểu tượng thích hợp nhất của ánh sáng mặt trời. Màu vàng gợi lên vẻ cao sang huy hoàng của Thiên Chúa, nên Phụng vụ cho phép dùng áo lễ màu vàng thay cho màu trắng.

Màu hồng:

Màu hồng là màu do hỗn hợp đỏ và trắng.

Đây là màu của sức khỏe.

Màu hồng biểu tượng cho tình yêu tinh khiết dịu dàng, ngây thơ vô tội.

Màu hồng khơi lên trong tâm trí niềm vui nhẹ nhàng, thanh thoát và tinh tế.

Những biểu tượng trên đây phù hợp với tâm hồn nữ giới, nên thường được nữ giới yêu chuộng. Do đó, có một sự liên tưởng dễ dàng giữa màu hồng và phụ nữ và cũng vì đó, nó cũng biểu trưng cho người nữ.

Trong văn chương Việt Nam, những từ như bóng hồng, hồng quần, hồng nhan… đều có ý nói về nữ giới.

Thánh Kinh nói đến màu hồng như là dấu hiệu của sức khỏe (x. Dc 5, 10; Hc 39, 13); nó gợi lên sắc đẹp tươi thắm (x. Kn 2, 1).

Phụng vụ dùng lễ phục màu hồng vào hai dịp trong năm: Chúa Nhật III Mùa Vọng và Chúa Nhật IV Mùa Chay, để gợi lên niềm vui nhẹ nhàng của Giáo hội sau một thời gian đã thành công trong việc luyện tập chống lại tính xấu và tội lỗi, đồng thời loan báo một cách chừng mực và kín đáo niềm vui của Đại lễ sắp đến.

Màu đen:

Màu đen biểu trưng sự tối tăm, nỗi cô đơn và đau khổ. Đây là màu của sự từ bỏ, của đau buồn. Nhưng màu đen cũng là màu của huyền bí, của sang trọng và quyền lực: các nguyên thủ quốc gia thường đi xe màu đen trong các cuộc viếng thăm chính thức.

Màu đen còn là biểu tượng của các thế lực đen tối, màu của ý chí muốn chống lại bất cứ thế lực đàn áp nào. Ý nghĩa nầy được nêu bật khi dân gian dùng cụm từ “xã hội đen”.

Trong Thánh Kinh, màu đen luôn luôn là màu của tối tăm, buồn thảm. Nó là dấu hiệu của bệnh hoạn và cô đơn (x. Lv 13, 31; Ez 50,3).

Phụng vụ sử dụng màu đen trong thánh lễ an táng cầu hồn để nói lên nổi đau buồn tang chế.

Ngày nay, ở Việt Nam và một số nước khác, lễ phục màu đen được thay thế bằng lễ phục tím.

Các trang trí trên áo lễ

Áo lễ được trang trí bằng những hình thêu hay hình vẽ.

Chủ đề các trang trí nầy rất phong phú, thay đổi tùy thời đại và văn hóa của từng dân tộc. Tuy nhiên, các trang trí nầy phải được khởi hứng từ các biểu tượng Thánh Kinh, Phụng vụ, đạo đức hoặc từ các giá trị văn hóa đích thực phù hợp với Đức tin Công giáo.

Có thể kể ra các trang trí khởi hứng từ Thánh Kinh và Phụng vụ: Thánh giá, hình Chúa, Đức Mẹ, các thánh, bánh mì, chùm nho, lúa miến, chim bồ nông, hoa huệ, hoa hồng, nến sáng, đèn chầu, cầu vồng, con thuyền, nai uống nước …

Các hình thuộc văn hóa Việt Nam: rồng chầu, chim hạc, chữ thọ, lư hương … .

Thông thường, để chỉ rõ mối liên hệ giữa các hình trang trí với Đức tin, người ta thêm một hình Thánh giá, thêu vẽ rõ ràng hoặc cách điệu.

Kiểu áo lễ

Vào những thế kỷ đầu, thường phục của dân vùng Địa Trung Hải là tấm vải lớn có khoét lỗ rộng ở trung tâm để chui đầu.

Nghi lễ phụng vụ cũng dùng áo đó, nhưng mỹ thuật hơn thường phục. Dần dần, áo nầy trở nên áo dành riêng cho lễ nghi phụng vụ.

Ngày nay, loại áo nầy chỉ dành riêng cho tư tế, với những trang trí và màu sắc khác nhau; còn người giúp lễ mang áo alba.

Trong những thế kỷ gần đây, áo lễ còn thu gọn lại, mang hình dáng cái hộp đựng đàn violon. Kiểu áo lễ violon nầy đã tạo cơ hội cho nghệ thuật thêu thùa làm nên những kiệt tác. Ngày nay, trong các Nhà thờ cổ tại Âu châu, vẫn sử dụng kiểu áo nầy.

Trong nghi lễ Truyền chức thánh, tân Linh mục nhận áo lễ sau Lời nguyện Truyền chức. Đây là áo của vị chủ tế Thánh lễ. Trong lễ đồng tế, ít là vị chủ tế phải mang áo lễ.

Áo lễ là chiếc áo mặc ngoài của chủ tế, người phụ trách phòng thánh phải lưu ý những điều sau đây:

Nếu Giáo xứ có nhiều áo lễ, ta chia thành 2 loại. Loại để dọn lễ thường; loại quý đẹp để dọn ngày Chúa Nhật và lễ trọng. Các áo lễ xưa đã sờn cũ mà không loại bỏ được, ta xếp gọn gàng, cho vào bao nylông trong, cất riêng một nơi.

Sau mỗi Thánh lễ, ta treo áo vừa sử dụng ở nơi thoáng gió để mau bay mùi.

Khi khí hậu ẩm ướt, ta phơi tất cả áo lễ vào ngày nắng ráo, vừa tránh ẩm mốc, vừa trừ sâu mọt.

Nên treo long não vào tủ áo lễ để đuổi gián và giữ cho tủ áo lễ được thơm.

Không nên quàng dây stola vào móc, nhưng nên vắt vào thanh ngang của móc áo.

Khi dọn lễ phục, ta phải mở dây kéo (fermature). Nếu dây không chạy nhẹ nhàng, phải thay dây. Phải thay miếng dán, nếu nó không còn công dụng dính kết.

3. Dây các Phép(Stola)

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ
Dây các phép

Dây stola, còn được gọi là Dây Các Phép, vì Linh mục đeo dây nầy khi ban các phép bí tích và á bí tích.

Đây là một dải vải vòng qua cổ, rũ ra trước ngực và xuống tới gần đầu gối.

Dây stola biểu trưng “ách nhẹ nhàng” của Chúa (x. Mt 11, 29).

Hai dải vải thòng xuống trước ngực, có khi được nối với nhau bằng một đoạn dây ngắn. Đoạn dây nầy phải may cao hơn dây thắt lưng (cordon), để Linh mục không bị vướng tay khi buộc dây thắt lưng.

Khi dọn lễ phục, vị trí dây stola sẽ là trên áo lễ, dưới dây cordon. Dây stola không phải là một dải vải thẳng, mà có hình cong, để khi Linh mục quàng vào cổ, dây sẽ đi sát cổ.

Dây stola vẫn có mặt trái, mặt phải, dù 2 mặt thường là cùng màu. Mặt phải là mặt thường được trang trí. Do đó, khi dọn dây cần lưu ý dọn mặt phải lên trên và đặt chỗ cong về phía Linh mục.

4. Áo Alba

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ
Áo Alba

Trong tiếng Latin, từ alba có nghĩa là trắng. Áo alba là áo dài màu trắng.

Trong Cựu Ước, các tư tế phải mặc áo gai mịn – thường là màu trắng- khi tế lễ (x.Xh 39,27). Áo trắng nầy là dấu hiệu của sự sạch sẽ thân xác và biểu tượng của sự trong sạch tâm hồn.

Trong Tân Ước, áo trắng là áo của các thiên thần (x. Mt 28, 2-3; Tđcv 1, 10), áo của vinh quang và phục sinh vinh thắng (x. Mc 9,3; Lc 9, 29), áo của tiệc cưới (x. Kh 19,8), áo của những người được chọn (x. Kh 3,5).

Các giáo phụ coi quá trình xử lý nghiêm ngặt và công phu biến vải gai trở nên trắng tinh là hình ảnh của khổ chế cần thiết để có được tâm hồn trắng trong xứng đáng. Thánh Clêmentê thành Alexandria xem màu trắng của áo alba là biểu tượng đưa tâm trí con người hướng về bình an, ánh sáng và sự trong sạch tâm hồn.

Trong lãnh vực phụng vụ, áo alba biểu trưng sự vô tội, trong sạch, vinh quang và niềm vui trong sáng. Đây là áo của những người đã được tẩy xóa vết nhơ tội lỗi trong máu của Con Chiên. Như thế, áo trắng là dấu chỉ của sự tháp nhập vào đời sống thần linh. Màu trắng là màu của Phụng vụ vĩnh cửu. Màu trắng của áo alba là lời mời gọi sống tinh tuyền để bước vào ánh sáng vinh quang.

Người phụ trách phòng thánh năng giặt ủi áo alba, tránh bị thâm kim, treo nơi thoáng gió sau buổi lễ. Họ cũng nên thu ngắn chiều dài của áo alba, nếu thấy Linh mục bị vấp áo mỗi khi lên xuống bậc cấp.

5. Dây thắt lưng(Cordon)

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ
Dây thắt lưng

Khi mặc áo alba, linh mục thường dùng một sợi dây thắt ngang lưng cho gọn gàng, gọi là dây cordon. Dây nầy thường làm bằng sợi màu trắng. Dây thắt lưng có thể cùng màu với áo lễ, nhưng xem ra không tương hợp, vì dây đi đôi với alba, chứ không đi đôi với áo lễ.

Dây thắt lưng có nhiều ý nghĩa.

Trong Cựu Ước, dây thắt lưng biểu thị sự sẵn sàng lên đường. Nó là thành phần của y phục đi xa. Chúa ra lệnh cho dân Do Thái phải mang dây thắt lưng khi ăn lễ Vượt Qua (x. 12, 11), vì sau đó, họ phải lên đường vượt sa mạc.

Khi thực hành việc khổ chế, người ta buộc dây thắt lưng (x. 2M 10, 25).

Tiên tri Elia thường dùng dây thắt lưng đến nỗi từ xa người ta có thể nhận ra Ngài (x. 2 V 1,8).

Dây thắt lưng còn biểu thị sức mạnh của quyết chí và can đảm. Sách Cách ngôn ca ngợi người phụ nữ biết buộc chặt dây lưng đêm ngày để miệt mài làm việc (x. Cn 31,14).

Trong Tân Ước, dây thắt lưng biểu thị sự sẵn sàng phục vụ, nó là y phục của người đầy tớ. Chúa Giêsu phán: “Hãy thắt lưng và cầm đèn cháy sáng trên tay như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về” (Lc 12, 35).

Dây thắt lưng còn là dấu hiệu được Chúa chiếm ngự. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Khi con còn trẻ, con tự thắt lưng và đi đâu con muốn. Nhưng khi con đã già, con sẽ dang tay ra cho người khác thắt lưng con và dẫn con đến nơi con không muốn” (Ga 21, 18).

Đối với Phụng vụ, dây thắt lưng là dấu hiệu của sự sẵn sàng phục vụ, của hãm mình và khiết tịnh.

6. Áo Cappa

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ
Áo choàng ngoài Cappa

Áo cappa là áo choàng linh mục mang bên ngoài áo các phép (surplis) hoặc áo alba, để chủ sự các nghi thức ngoài Thánh lễ, như Phép lành Mình Thánh Chúa, đi kiệu, rửa tội, đám cưới, đám tang.

Đây là một chiếc áo rất rộng, hình bán nguyệt, phủ kín toàn thân. Hai vạt áo được giữ thẳng ở phía trước bằng khuy cài.

Nguyên thủy, áo cappa là áo đi mưa. Đến thế kỷ thứ 7, nó mới là áo của đan sĩ. Vào thế kỷ thứ 9, nó được dùng trong Phụng vụ.

Thông thường, chỉ chủ sự mặc áo cappa. Nhưng trong các dịp trọng thể, các ca viên cũng mặc nó. Áo cappa biểu trưng lòng bác ái bao dung.

7. Sách Lễ Roma

Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ
Sách Lễ Roma

Sách Lễ Rôma là sách Linh mục dùng để đọc khi làm lễ, cho nên sách nầy luôn được dọn lên Bàn thờ mỗi khi cử hành Thánh lễ.

Nội dung chủ yếu gồm Quy chế Tổng quát về Sách Lễ Rôma, Lời nguyện của các Thánh lễ, phần Thường lễ và các Kinh nguyện Thánh thể, các chỉ dẫn về nghi thức phải tuân hành.

Vì đây là cuốn sách rất cần để Linh mục làm lễ, đồng thời có những chỉ dẫn quý báu, nên cần lược qua nội dung của sách:

Tông hiến Công bố Sách Lễ Rôma, của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.
Quy chế Tổng quát về Sách Lễ Rôma:

– Chương I: Tầm quan trọng và sự cao quý của việc cử hành Thánh lễ.

Thánh lễ là hành động của Chúa Kitô và của dân Chúa, là trung tâm của đời sống Kitô hữu, là hành động phụng tự của nhân loại dâng lên Chúa Cha, qua đó Thiên Chúa thánh hóa toàn thể nhân loại.

Do đó, phải chuẩn bị chu đáo để mọi người tham dự cách ý thức, tích cực và đầy đủ.

– Chương II:Cơ cấu Thánh lễ, các yếu tố và các phần của Thánh lễ.

  • Về cơ cấu, Thánh lễ có 2 phần chính là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể; 2 phần phụ là nghi thức mở đầu và nghi thức kết thúc.
  • Về yếu tố, Thánh lễ có các yếu tố sau đây:

Lời Chúa và diễn giải Lời Chúa.

Các Lời nguyện của Chủ tế, kể cả các Kinh nguyện Thánh Thể.

Các bài hát.

Cử chỉ và cử điệu tỏ bày lòng tôn kính.

Thinh lặng hồi tâm, thống hối, suy gẫm hoặc tâm sự với Chúa.

  • Về các phần, Thánh lễ gồm có các phần sâu đây:

Nghi thức đầu lễ gồm:

– Ca Nhập lễ.

– Lời chào bao gồm bái chào Bàn thờ, Thánh

giá, chào cộng đoàn.

– Hành động thống hối.

– Kinh Thương xót.

– Kinh Vinh Danh.

– Lời nguyện Nhập lễ.

Phụng vụ Lời Chúa gồm:

– Các Bài đọc Cựu ước và Tân Ước.

– Đáp ca.

– Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.

– Diễn giảng.

– Kinh Tin Kính.

– Lời nguyện cho mọi người (Lời nguyện Tín hữu, Lời nguyện Đại đồng).

Phụng vụ Thánh Thể là phần cử hành lại việc chính Chúa Giêsu đã làm và truyền phải làm để tưởng nhớ đến Người.

Phần nầy gồm:

– Tiến dâng lễ vật.

– Kinh Nguyện Thánh Thể. Hiện nay có 13

Kinh Nguyện Thánh Thể (KNTT):

  • 4 KNTT thông thường.
  • 2 KNTT Giao hòa.
  • 4 KNTT cho những nhu cầu khác nhau.
  • 3 KNTT dành cho trẻ em.

– Hiệp lễ.

Nghi thức kết thúc Thánh lễ.

– Chương III: Quy định nhiệm vụ và phận sự của Chủ tế, phó tế, các thừa tác viên, ca đoàn và giáo dân trong Thánh lễ.

– Chương IV: Xác định Thánh lễ theo địa vị quan trọng; thứ tự như sau:

Thánh lễ do ĐGM chủ sự giữa Linh mục đoàn, các thừa tác viên và mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận.

Thánh lễ tại giáo xứ.

Thánh lễ trong các tu viện.

Thánh lễ nhóm, Thánh lễ tại tư gia.

Xác định các hình thức Thánh lễ:

Thánh lễ có giáo dân tham dự.

Thánh lễ đồng tế.

Thánh lễ không có giáo dân tham dự.

Một số quy luật chung cho tất cả các hình thức Thánh lễ.

– Chương V: Quy định cách xếp đặt và trang trí về Cung thánh, Bàn thờ, Nhà tạm, ảnh tượng, giảng đài, ghế dành cho chủ tế, cho người giúp lễ, cho ca đoàn và cho giáo dân.

– Chương VI: Quy định các vật dụng tối cần để cử hành Thánh lễ là bánh rượu, chén thánh và phẩm phục. Ngoài ra, tùy hoàn cảnh và tùy loại Thánh lễ, còn cần các vật dụng khác.

– Chương VII: Quy định việc lựa chọn các Thánh lễ, các kinh Tiền tụng, các Kinh nguyện Thánh Thể và các bài hát.

– Chương VIII: Quy định Thánh lễ tùy nhu cầu và Thánh lễ cầu cho người qua đời.

Thánh lễ tùy nhu cầu gồm 3 loại:

  • Thánh lễ có nghi thức riêng là Thánh lễ trong đó có ban bí tích hoặc á bí tích, như Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối, Truyền Chức thánh, Xức dầu Bệnh nhân, Cung hiến Nhà thờ, An táng, Khấn dòng.
  • Thánh lễ cử hành trong một hoàn cảnh hay vào một thời kỳ nhất định, như:

– Lễ ba ngày Tết Âm lịch và tết Trung thu.

– Lễ cầu cho Hội thánh.

– Lễ cầu cho ĐGM Giáo phận.

– Lễ cầu cho LM.

– Lễ cầu cho Tu sĩ.

– Lễ cầu cho Giáo dân … .

  • Thánh lễ ngoại lịch là Thánh lễ được lựa chọn theo lòng đạo đức của giáo dân, để kính nhớ các mầu nhiệm của Chúa, để kính Đức Maria hay các thánh, như kính Danh thánh Chúa Giêsu, kính Đức Trinh nữ Maria…

Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời . Có 3 loại Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời:

– Thánh lễ an táng là Thánh lễ cuối cùng cầu cho người qua đời, với sự hiện diện của thi hài người quá cố và an táng ngay sau đó.

– Thánh lễ hồi tử là Thánh lễ đầu tiên cầu cho người qua đời khi được ai tín.

– Thánh lễ cầu hồn là Thánh lễ cầu cho người qua đời, như lễ giỗ, lễ cầu hồn hằng ngày.

Những quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch.

Lịch Phụng vụ của Hội thánh Rôma.

Lời nguyện của các Thánh lễ Chúa nhật, lễ trọng và ngày thường trong tuần.

Phần Thường lễ.

Các kinh Tiền tụng.

Các Kinh nguyện Thánh Thể.

Các công thức ban Phép lành và Lời nguyện trên dân chúng.

Lời nguyện của các Thánh lễ kính các thánh (phần riêng).

Lời nguyện của các Thánh lễ kính các thánh (phần chung).

Lời nguyện của các Thánh lễ có nghi thức riêng, như các Thánh lễ liên quan đến bí tích Rửa tội, Thêm sức, Truyền chức, Hôn phối, Chúc phong Viện phụ Viện mẫu, Khấn Dòng, Cung hiến Nhà thờ, Bàn thờ…

Lời nguyện của các Thánh lễ cầu cho các nhu cầu khác nhau, như cầu cho Hội thánh, các thành phần và các nhu cầu trong Hội thánh, cầu cho các lợi ích chung, cầu trong một số trường hợp đặc biệt.

Lời nguyện của các Thánh lễ ngoại lịch, như tôn kính Chúa Ba Ngôi, Thánh Thể, Mầu Nhiệm Thập giá, Danh thánh Chúa Giêsu, tôn kính Đức Maria trong các tước hiệu của Người, các thánh…

Lời nguyện của các Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.

Lời nguyện của các Thánh lễ theo truyền thống dân tộc.

Phần phụ lục: rảy nước thánh và mẫu Lời nguyện tín hữu.

8. Sách bài đọc

Sách Bài đọc là sách ghi các bài đọc Cựu Ước, Tân Ước và bài Tin Mừng được đọc trong các Thánh lễ ngày Chúa Nhật, lễ trọng, lễ kính và lễ ngày thường trong tuần.

Bộ sách này gồm 5 cuốn có tên như sau:

Sách Lễ (Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh).
Sách Lễ (Mùa Chay và Mùa Phục Sinh).
Sách Lễ (Mùa Quanh Năm I).
Sách Lễ (Mùa Quanh Năm II).
Sách Lễ (Các Bài đọc), gồm các Bài đọc của các Thánh lễ chung, các Thánh lễ có nghi thức riêng, các Thánh lễ tùy hoàn cảnh, các Thánh lễ ngoại lịch, phần riêng các thánh.

9. Sách Nghi thức Gia nhập Kitô giáo của người lớn

Sách nầy gồm các chỉ dẫn về nghi thức, các Bài đọc Thánh Kinh, các Lời nguyện dành cho việc cử hành các giai đoạn gia nhập Kitô giáo của người lớn, diễn ra trong Thánh lễ hoặc ngoài Thánh lễ; và nghi thức thâu nhận những người đã chịu phép Rửa tội (như người theo các hệ phái Tin Lành, Chính thống giáo) vào thông công đầy đủ với Hội thánh Công giáo.

10. Sách Nghi thức Bí tích Thêm sức

11. Sách Nghi thức cử hành Hôn nhân

12. Sách Nghi lễ Rửa tội trẻ nhỏ và Xức dầu Bệnh nhân

13. Sách Nghi lễ an táng và Thánh lễ cầu hồn

14. Các sách khác liên quan đến phụng vụ

Nguồn: https://hdmenthanhgiagovap.info/hoc-hoi-nghien-cuu/phung-vu/cac-vat-dung-phung-vu-thong-thuong/

Ý nghĩa các đồ vật dùng trong Phụng Vụ

Đồ vật dùng trong Phụng Vụ Công giáo là những vật dụng được sử dụng trong các nghi thức phụng vụ của Giáo hội Công giáo. Các vật dụng này có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp tín hữu Công giáo tham dự vào việc thờ phượng Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn.

Ý nghĩa của đồ dùng phụng vụ Công giáo có thể được tóm tắt như sau:

  • Thể hiện sự tôn kính Thiên Chúa: Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ thường được làm bằng những vật liệu quý giá, được trang trí đẹp mắt. Điều này thể hiện sự tôn kính của tín hữu Công giáo đối với Thiên Chúa.
  • Diễn tả các mầu nhiệm đức tin: Mỗi đồ vật dùng trong Phụng Vụ đều có ý nghĩa biểu tượng riêng, diễn tả một mầu nhiệm đức tin của Giáo hội. Ví dụ, bàn thờ tượng trưng cho Mình Thánh Chúa, chén Thánh tượng trưng cho Máu Thánh Chúa,…
  • Giúp tín hữu tham dự vào việc thờ phượng Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn: Các đồ vật dùng trong Phụng Vụ giúp tín hữu Công giáo tập trung vào việc thờ phượng Thiên Chúa, giúp họ cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của mình.

Ngoài ra, còn có nhiều đồ vật dùng trong Phụng Vụ khác được sử dụng trong các nghi thức phụng vụ của Giáo hội Công giáo, mỗi đồ dùng đều có ý nghĩa biểu tượng riêng.

Đồ dùng Phụng Tự Công Giáo tại TPHCM

Jbcatholic chuyên về đồ dùng trong phụng tự cho nhà Dòng và Nhà Thờ tại TP. Hồ Chí Minh. Xin liên hệ để được chúng con tư vấn và báo giá về đồ dùng phụng tự bằng gỗ cho cộng đoàn!
Xem thêm các mẫu Đồ dùng Phụng Tự bằng gỗ đẹp tại đây

Đồ Dùng Phụng Tự Công Giáo TPHCM
———————————– 
QUÝ KHÁCH HÀNG QUAN TÂM XIN LIÊN HỆ:
☎ Hotline: 0967100809 – Mr. Mẫn

18 Đường Tam Bình, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức
🌐 Website: https://jbcatholic.com/

Xem video sản phẩm

Mời bạn đánh giá

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *