Tranh Thánh Teresa Calcutta, điêu khắc theo yêu cầu
Thánh Têrêsa Calcutta, nữ tu
Lễ kính: ngày 05 tháng 9
Thánh Teresa Calcutta hay Mẹ Thánh Teresa thành Calcutta (tiếng Anh: St. Teresa of Calcutta) là một nữ tu và nhà truyền giáo Công giáo Rôma người Ấn Độ gốc Albania.
Mẹ Teresa Calcutta, nhủ danh là Gonxha Bojaxhiu Agnes, sinh tại Skopje, Albania, ngày 26 tháng 8 năm 1910, là người con thứ năm và cũng là con út của ông bà Nikola và Drane Bojaxhiu. Cha Agnes là doanh nhân thành đạt còn mẹ là một bà nội trợ. Ngay từ nhỏ, Agnes đã là một cô bé chu đáo và thích giúp đỡ người khác. Mẹ Agnes cũng là một phụ nữ giàu lòng trắc ẩn và sùng đạo. Agnes đã được rửa tội vào ngày hôm sau và được rước lễ lần đầu khi lên năm tuổi rưỡi. Từ thời điểm đó trở đi, tâm hồn Agnes tràn ngập tình yêu dành cho các linh hồn.
Khi Agnes lên 9 tuổi, cha ngài qua đời nên mẹ ngài phải một tay chăm sóc các con. Lên 12 tuổi, Agnes quyết định trở thành một nhà truyền giáo. Lên 18 tuổi, Ngài rời quê hương để gia nhập hội Nữ tử Loreto, một cộng đồng các nữ tu Ireland có nhiệm vụ truyền giáo ở Ấn Độ. Nơi ngài đã được trở thành thử sinh ngày 12/10 và mang tên Têrêsa, tên của vị thánh quan thầy là Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu.
Thử sinh Têrêsa đã được nhà dòng Loreto sai đến Ấn Ðộ, tới Calcutta ngày 6/1/1929. Khi đến nơi, chị thử sinh này nhập tập viện ở Darjeeling và khấn lần đầu vào tháng 5 năm 1931, khấn trọn đời như là một sơ dòng Loreto vào ngày 24/5/1937. Sau đó sơ được gọi là Mẹ Têrêsa. Trong thời gian sống ở Calcutta vào thập niên 1930 và 1940, sơ Têrêsa đã dạy ở Trường Trung Học đệ nhất cấp Bengali Thánh Maria.
Vào ngày 10/9/1946, trên chuyến xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling, Mẹ Têrêsa đã nhận được điều Mẹ gọi là “ơn gọi trong ơn gọi”, một ơn gọi làm phát sinh ra gia đình Thừa Sai Bác Ái của các Sư Muội, Sư Huynh, Linh Mục và Cộng Tác Viên. Nội dung của ơn soi động này được thể hiện nơi mục đích và sứ vụ Mẹ phác họa cho cơ cấu mới của Mẹ, đó là “làm giảm cơn khát vô cùng của Chúa Giêsu trên thập giá vì yêu thương vì các linh hồn”, bằng “việc tận lực hoạt động cho phần rỗi và sự thánh hóa của thành phần nghèo nhất trong các người nghèo”.
Năm 1948, Mẹ Têrêsa nhận được sự cho phép của Giáo Hội để bắt đầu sứ vụ tông đồ của mình trong các khu ổ chuột của thành phố Calcutta. Vào ngày 7/10/1950, hội dòng mới “Thừa Sai Bác Ái” được chính thức thành lập tại Tổng Giáo Phận Calcutta và đã được nâng lên thành một Tu Hội giáo hoàng vào ngày 1 tháng 2 năm 1965.
Những năm 1960, thế giới đã mở rộng cửa đón nhận Mẹ Teresa. Mẹ được kính trọng vì trái tim nhân hậu và niềm đam mê giúp đỡ người nghèo, người không nơi nương tựa. Mẹ Teresa được trao Giải thưởng Hòa bình Ramon Magsaysay vào năm 1962. Năm 1979, Mẹnhận giải Nobel Hòa bình. Lúc bấy giờ, dòng “Thừa sai Bác ái” đã mở thêm 61 cơ sở mới tại 28 quốc gia bên ngoài Ấn Độ.
Ðể mở rộng sứ mệnh tình yêu này, Mẹ Têrêsa đã mở thêm các nhánh khác bao gồm dòng các Tu huynh Thừa Sai Bác Ái, vào năm 1963, dòng các nữ tu sĩ chiêm niệm vào năm 1976, dòng các Tu huynh chiêm niệm (1979), và dòng các Cha Thừa Sai Bác Ái vào năm 1984, cũng như các Hiệp hội các cộng tác viên, Hiệp hội các cộng sự viên đồng lao cộng khổ, và phong trào Corpus Christi cho các linh mục.
Năm 1982, Mẹ Têrêsa giải cứu 37 trẻ em bị mắc kẹt ở Beirut trong cuộc chiến tranh Lebanon. Mẹ tới Armenia sau trận động đất năm 1988 khiến khoảng 60.000 người thiệt mạng. Mẹ Têrêsa cũng đến Ethiopia để hỗ trợ người nghèo, tới Chernobyl giúp đỡ các nạn nhân nhiễm phóng xạ. Năm 1996, Mẹ Têrêsa điều hành tới 517 cơ quan truyền giáo tại trên 100 quốc gia.
Từ cuối thập niên 1980 tới hết thập niên 1990, mặc dù có vấn đề về sức khỏe, Mẹ Têrêsa vẫn du hành khắp thế giới về để phục vụ thành phần nghèo khổ và gặp tai ương hoạn nạn. Những cộng đồng mới được thành lập ở Nam Phi Châu, ở Albania, Cuba và Iraq tàn khốc chiến tranh. Cho tới năm 1997, con số Nữ Tu lên đến gần 4 ngàn người, và được thiết lập ở hầu hết 600 cơ sở ở 123 quốc gia trên thế giới.
Sau một mùa thu đi đến Rôma, New York và Washington, với tình trạng sức khỏe suy yếu, Mẹ Têrêsa trở lại Calcutta vào tháng 7/1997. Vào lúc 9 giờ 30 tối ngày 5/9, Mẹ Têrêsa qua đời ở Nhà Mẹ của Hội Dòng. Thân thể của Mẹ được chuyển đến Nhà Thờ Thánh Tôma, gần nữ tu viện Loreto, nơi đầu tiên Mẹ đã đến Ấn Ðộ gần 69 năm trước. Hằng trăm ngàn người thuộc tất cả mọi tầng lớp và mọi tôn giáo, từ Ấn Ðộ cũng như ngoại quốc đã tỏ lòng ngưỡng mộ Mẹ.
Mẹ đã được quốc táng vào Ngày Thứ Bảy 13/9/1997, thi thể của Mẹ đã được rước trên chiếc xe đã từng chở thi thể của Mahandas K. Gandhi và Jawaharlal Nehru, qua các đường phố Calcutta. Các vị tổng thống, thủ tướng, nữ hoàng và đặc sứ thay mặt quốc gia trên khắp thế giới đã hiện diện trong cuộc lễ an táng Mẹ.
Tại thời điểm Mẹ qua đời vào ngày 05 tháng 09 năm 1997, dòng có đến 3,842 chị em làm việc tại 594 nhà ở tại 120 quốc gia. Mẹ đã đi khắp mọi nơi, như Đức Maria trong trình thuật Thăm Viếng [bà Elizabeth], để truyền bá tình yêu của Chúa Giêsu trên khắp thế giới.
Không đầy hai năm sau ngày qua đời, do sự thánh thiện mà mọi người đã đồng thanh ca ngợi và những báo cáo về các ơn thiêng nhận được qua Mẹ, nên Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép tiến hành xem xét hồ sơ phong thánh cho Mẹ. Ngày 20 tháng 12 năm 2002, ngài phê chuẩn sắc lệnh công nhận nhân đức anh hùng và các phép lạ của Mẹ.
Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ được nâng lên hàng chân phước. Mẹ là người được phong chân phước nhanh nhất trong lịch sử giáo hội từ trước đến nay: chỉ 6 năm sau ngày qua đời. Trước Mẹ, thánh Gioan Bosco và thánh Maximilian Kolbe được phong chân phước 30 năm sau ngày qua đời và là những người được phong chân phước nhanh nhất. Ngày 04 tháng 9 năm 2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tuyên thánh cho Mẹ.
“Về huyết thống thì tôi là người Albany. Theo tính cách công dân thì tôi là một người Ấn Ðộ. Về phương diện đức tin thì tôi là một nữ tu Công Giáo. Theo ơn gọi của mình thì tôi thuộc về thế giới. Với tâm hồn của mình thì tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu”.
Reviews
There are no reviews yet.