Tượng Chúa Chuộc Tội, nghệ thuật từ gốc rễ cây tự nhiên
ĐỨC KITÔ TỰ HIẾN CHO CHÚA CHA VÌ TỘI CHÚNG TA.
- Cả cuộc sống Đức Giêsu là “lễ vật” dâng lên Cha.
Con Thiên Chúa, “đã từ trời xuống thế, không phải để làm theo ý mình, mà là ý Đấng đã sai Ngài” (Ga 6,38) ; Ngài đã nói khi vào thế gian : “Này đây Con đến … để làm theo thánh ý Ngài, ôi lạy Thiên Chúa …
Vì thánh ý ấy mà chúng ta được hiến thánh nhờ hy tế của Đức Giêsu Kitô chỉ hiến dâng có một lần” (Dt 10,5-10). Từ lúc đầu tiên của Nhập Thể, Chúa Con đảm nhận chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu thế của Ngài : “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người” (Ga 4,34).
Hy tế của Đức Giêsu “vì tội lỗi của toàn thể nhân loại “ (1 Ga 2,2) diễn tả hiệp thông tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha : “Cha yêu mến Ta vì Ta hiến mạng sống” (Ga 10,17). “Để cho thế gian biết là Ta yêu mến Cha …” (Ga 14,31) – (Số 606).
Ao ước đảm nhận chương trình tình yêu cứu độ của Chúa Cha tác động trên cả cuộc đời của Đức Giêsu, từ “Nhập Thể” cho đến khi hoàn tất : “Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này” (Ga 12,27). “Chén Cha đã trao lẽ nào Ta không uống” (Ga 18,11). Trên thập giá, trước khi “mọi sự hoàn tất” (Ga 19,30), Đức Giêsu nói “Ta khát” (Ga 19,28) – (Số 607).
- Chiên Con xóa tội trần gian.
Sau khi chấp nhận làm phép rửa cho Đức Giêsu theo sau những “tội nhân”, Gioan Tẩy Giả đã nhận ra và chỉ cho thấy Đức Giêsu là “Chiên Con của Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Ông cho thấy, Đức Giêsu, vừa là “Người Tôi Tớ đau khổ” bị đem đi giết (Is 53,7) và là Đấng gánh tội trần gian.
Chiên Vượt Qua đã là biểu tượng ơn cứu chuộc đối với Israel từ lễ Vượt Qua đầu tiên (Tl 12,3-14). Tất cả đời sống của Đức Kitô diễn tả sứ vụ của Ngài : “Hầu hạ và thí mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mc 10,45) – (Số 608).
- Đức Giêsu đã đảm nhận cách tự do tình yêu cứu thế của Chúa Cha.
Đón nhận trong trái tim nhân loại của mình tình yêu của Chúa Cha đối với loài người, Đức Giêsu đã yêu họ đến cùng (Ga 13,1), vì “không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13). Trong đau khổ và sự chết, nhân tính của Đức Giêsu trở nên dụng cụ tự do và hoàn hảo của tình yêu thần linh của Ngài muốn cho mọi người được cứu.
Ngài đã tự do chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết vì yêu Chúa Cha và loài người mà Chúa Cha muốn cứu : “Không ai cất mạng sống Ta được ; nhưng chính Ta tự thí mạng sống Ta” (Ga 10,18). Con Thiên Chúa hoàn toàn tự do đi đến cái chết. (Số 609).
- Trong bữa Tiệc Ly,Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình trước.
Đức Giêsu đã diễn tả cách tuyệt hảo sự tự hiến của Ngài trong bữa ăn cùng với Nhóm 12, trong đêm Ngài bị nộp (1 Cr 11,23). Hôm trước ngày chịu nạn, khi còn tự do, Đức Giêsu đã làm cho bữa Tiệc Ly với các Tông Đồ thành “Lễ Tưởng Niệm” sự tự hiến của Ngài để cứu độ nhân loại : “Này là Mình Ta thí ban vì các người” (Lc 22,19) “Này là Máu Ta, Máu Giao Ước, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Mt 26,28) – (Số 610).
Bí tích Thánh Thể mà Ngài thiết lập vào lúc ấy sẽ là “Lễ Tưởng Niệm” Hy tế của Ngài (1 Cr 11,25). Đức Giêsu bao hàm các Tông Đồ trong Lễ Dâng của Ngài, và yêu cầu họ làm cho trường tồn. Bởi đó Đức Giêsu đã thiết lập các Tông Đồ làm tư tế Giao Ước Mới : “Vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật” (Ga 17,19) – (Số 611).
- Hấp hối ở vườn cây Dầu.
Chén Giao Ước Mới Đức Giêsu đã “dùng trước” trong bữa Tiệc Ly khi tự hiến mình, sau đó, Ngài đón nhận từ tay Chúa Cha trong cơn hấp hối ở vườn cây Dầu, học vâng phục cho đến chết (Pl 2,8 ; Dt 5,7-8). Đức Giêsu cầu nguyện : “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con được khỏi chén đắng này”
(Mt 26,39). Ngài diễn tả sự sợ hãi trước cái chết do bản tính nhân loại. Cũng giống như chúng ta, bản tính nhân loại của Đức Giêsu có mục tiêu là “sự sống đời đời”. Khác với chúng ta, bản tính nhân loại nơi Ngài không có tội là nguyên nhân gây ra sự chết ; mà nhất là đã được ngôi vị thần linh “khơi nguồn sự sống” (Cv 3,15), Đấng sống (Kh 1,7), đảm nhận. Khi chấp nhận trong ý muốn nhân loại của mình, cho ý muốn của Chúa Cha thể hiện, Ngài chấp nhận cái chết cứu chuộc để gánh tội lỗi chúng ta trong thân xác bị treo cây gỗ (1 Pr 2,24) – (Số 612).
- Cái chết của Đức Giêsu là hy tế duy nhất và tối hậu.
Cái chết của Đức Giêsu vừa là “hy lễ Vượt Qua” hoàn tất sự cứu chuộc loài người bởi “Chiên Con Đấng gánh tội thế trần” (Ga 2,18) vừa là Hy Tế Giao Ước Mới, cho con người hiệp thông trở lại với Thiên Chúa, giao hòa con người với Thiên Chúa bởi “Máu đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Mt 26,28) – (Số 613).
Hy tế của Đức Kitô là “Duy Nhất”, nó hoàn tất và vượt qua mọi hy tế. Trước hết, đó là “Hồng Ân” của Chúa Cha : Chúa Cha phó nộp Con mình để giao hòa chúng ta lại với Người. Đó cũng là sự dâng hiến của Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã tự nguyện và vì yêu thương dâng hiến sự sống mình cho Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần (Dt 9,14), để sửa chữa sự bất tuân của ta. (Số 614).
- Đức Giêsu đã vâng phục thay cho sự bất tuân của ta.
Vì như do sự bất tuân của một người, nhiều người đã bị liệt vào hàng tội nhân, cũng vậy, vì sự vâng phục của một người, nhiều người sẽ được liệt vào hàng công chính (Rm 5,19). Vì vâng phục cho đến chết, Đức Giêsu đã hoàn thành “sự thay thế” của người Tôi Tớ đau khổ hiến mạng sống làm hy lễ đền tội, vì Người gánh lấy tội lỗi nhân trần, mà Người “công chính hóa” bằng cách chịu khổ vì tội của họ (Is 53,10-12). Đức Giêsu đã sửa chữa các lỗi của ta và đền bù các tội của ta. (Số 615).
- Trên thập giá Đức Giêsu hoàn thành hy tế.
Chính “tình yêu đến cùng” (Ga 13,1) mang lại cho hy tế của Đức Kitô giá trị cứu chuộc, sửa chữa, đền tội, bù đắp. Trong hy lễ tự hiến, Ngài đã biết chúng ta và yêu chúng ta tất cả : “Lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng ta, bởi đã được xác tín rằng : một Đấng đã chết vì mọi người, vậy thì mọi người đều đã chết” (2 Cr 5,14).
Không ai, dù là người thánh thiện nhất có thể gánh mọi tội lỗi của mọi người và tự hiến làm hy lễ vì mọi người. Đức Kitô vì là ngôi vị thần linh (Ngôi Con) vượt trên, đồng thời bao trùm mọi nhân vị, và làm đầu của toàn thể nhân loại, nên hy tế của Ngài là hy tế cứu chuộc mọi người. (Số 616).
“Vì cuộc khổ nạn trên thập giá, Ngài đã có công nghiệp, đưa lại sự công chính hóa cho ta”, như công đồng Trentô dạy : nhấn mạnh tính độc nhất của hy tế Đức Kitô là nguồn ơn cứu rỗi đời đời (Dt 5,9). Và Giáo Hội tôn kính Thánh Giá : “Kính chào Thánh Giá, Nguồn Hy Vọng Duy Nhất của chúng ta”. (Số 617)
Trích:
Ý NGHĨA CỨU CHUỘC
CỦA CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU
ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.