Tượng Đức Mẹ Mân Côi được điêu khắc trên chất liệu gỗ bền bỉ
Lễ Đức Mẹ Mân Côi (Ngày 7 tháng 10)
Vào ngày 7 tháng 10, Giáo hội Công giáo Rôma mừng lễ kính Đức Mẹ Mân Côi hàng năm. Được biết đến trong nhiều thế kỷ với danh hiệu trước kia là “Đức Mẹ Chiến thắng”, ngày lễ diễn ra để tôn vinh chiến thắng của hải quân châu Âu vào thế kỷ 16 chống lại sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đức Thánh Cha Piô V cho rằng chiến thắng này là nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng đã được cầu khẩn vào ngày trận chiến xảy ra, qua chiến dịch cầu nguyện bằng cách lần chuỗi Mân Côi trên khắp Châu Âu.
Lễ này luôn diễn ra một tuần sau lễ kỷ niệm tương tự của người dân Byzantine mừng sự Bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa, mà hầu hết các Kitô hữu Chính thống giáo Đông phương và Công giáo Đông phương cử hành vào ngày 1 tháng 10 để tưởng nhớ chiến thắng quân sự vào thế kỷ 10 đã bảo vệ thành Constantinople chống lại sự xâm lược sau khi có báo cáo về việc Đức Mẹ hiện ra.
Quân đội của Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm lược và chiếm đóng đế chế Byzantine vào năm 1453, đưa một phần lớn thế giới Kitô giáo đang ngày càng bị chia rẽ vào một phiên bản tuân theo luật lệ Hồi giáo. Trong một trăm năm tiếp theo, người Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng đế chế của họ trên đất liền về phía tây, và khẳng định sức mạnh hải quân của họ ở Địa Trung Hải.
Năm 1565, họ tấn công Malta, dự tính một cuộc xâm lược cuối cùng vào Rôma. Mặc dù bị đẩy lùi tại Malta, nhưng người Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được Cyprus (đảo Síp) vào mùa thu năm 1570.
Năm tiếp theo, một liên minh gọi là Liên Minh Thần Thánh (Holy League) được thành lập, gồm các thành viên là Lãnh Địa Giáo Hoàng, các nước thuộc nhà Habsburg như Tây Ban Nha, Napoli và Sicilia, nước Cộng Hòa Venezia, nước Cộng Hòa Genova, Đại Công Quốc Toscana, các Công Quốc Savoie, Công Quốc Parma và Công Quốc Urbino cùng Hiệp Sĩ Cứu Tế, để bảo vệ nền văn minh Kitô của mình chống lại sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các hạm đội của liên minh, dưới quyền chỉ huy của đô đốc Don Juan của vương quốc Áo, ra khơi đối đầu với người Thổ Nhĩ Kỳ, dưới quyền điều khiển của tướng Lala Mustafa Pasha, gần bờ biển phía tây của Hy Lạp vào ngày 7 tháng 10 năm 1571.
Các thành viên thủy thủ đoàn của Liên Minh Thần Thánh trên hơn 200 chiến thuyền với 12 ngàn thủy thủ và 28 ngàn quân chiến đấu, đã cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi để chuẩn bị cho trận chiến – cũng như các tín hữu Kitô giáo trên khắp châu Âu, được Đức Giáo Hoàng khuyến khích tập họp trong nhà thờ của mình để cầu khẩn Đức Trinh nữ Maria
chống lại các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đáng sợ, với hơn 270 chiến thuyền, 13 ngàn thủy thủ và 34 ngàn binh lính. Đức Thánh Cha Piô V và tất cả các Kitô hữu đã lần chuỗi Mân Côi xin Đức Mẹ giúp chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số tài liệu nói rằng Đức Giáo Hoàng Piô V đã được ban cho một thị kiến diệu kỳ về chiến thắng tuyệt đẹp của Liên Minh Thần Thánh. Không nghi ngờ gì nữa, Đức Giáo Hoàng hiểu ý nghĩa của các sự kiện trong ngày này, khi cuối cùng ngài được thông báo rằng tất cả, ngoại trừ 30, trong số gần 300 tàu của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắt hoặc bị đánh chìm. Ngài cảm động đến nỗi thiết lập ngày Lễ Đức Mẹ Chiến Thắng vì chiến thắng này đã cứu Châu Âu khỏi bị các lực lượng Hồi Giáo tràn ngập.
Lepanto, có lẽ là chiến thắng trọn vẹn nhất từng giành được trước Đế chế Ottoman, vào ngày 7 tháng 10 năm 1571, được nhớ đến bằng lời cầu “Đức Bà phù hộ các giáo hữu,” được đưa vào trong Kinh Cầu Đức Bà (Loretto).
Nhà sử học quân sự John F. Guilmartin, Jr. viết: “Chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Lepanto, nếu xảy ra, thì đã là một thảm họa tầm cỡ đầu tiên đối với Thế giới Kitô giáo.”
Năm 1573, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII đổi danh hiệu “Lễ Đức Mẹ Chiến Thắng” thành “Lễ Mân Côi Thánh”[1], được cử hành vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng Mười. Tu sĩ Juan Lopez dòng Đa Minh trong cuốn sách năm 1584 về Kinh Mân Côi nói rằng lễ Mân Côi được cử hành “để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn mãi mãi về chiến thắng kỳ diệu mà Chúa đã ban cho người dân Kitô giáo của Ngài vào ngày hôm đó trước đội quân Thổ Nhĩ Kỳ”.
Năm 1671, việc tổ chức lễ này được Đức Giáo Hoàng Clêmentê X mở rộng cho toàn nước Tây Ban Nha, và sau đó là Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI, sau chiến thắng trước quân Thổ Nhĩ Kỳ của Hoàng tử Eugene trong Trận Petrovaradin vào ngày 5 tháng 8 năm 1716 (lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết), đã truyền cử hành lễ Mân Côi trong toàn Giáo Hội.
Đức Lêô XIII đã thêm lời khẩn cầu “Regina Sacratissimi Rosarii, ora pro nobis – Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, cầu cho chúng tôi,” vào Kinh Cầu Đức Bà (Loretto). Trên thực tế, lễ này là một lễ hội lớn để tạ ơn vì dấu chỉ và vô số ơn ích đã được ban cho Thế giới Kitô giáo qua Kinh Mân Côi của Nữ Vương diễm phúc của chúng ta.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đặc biệt sùng kính Đức Mẹ Mân Côi, đã cho ra đời 11 thông điệp về chủ đề của ngày lễ này và tầm quan trọng của lễ đó trong suốt triều đại giáo hoàng lâu dài của ngài (1878-1903).
Trong thông điệp đầu tiên, “Supremi Apostolatus Officio” năm 1883, Ngài đã lặp lại những lời cầu nguyện Đức Mẹ lâu đời nhất được biết đến (trong truyền thống Latinh là “Sub Tuum Praesidium”, Chúng con trông cậy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời…), khi Ngài viết, “Chạy đến nương náu nơi Mẹ Maria luôn là thói quen của những người Công giáo đang gặp nguy hiểm và trong những thời khắc nguy khốn”.
Đức Giáo Hoàng Lêô nói tiếp, “Sự sùng kính này, quá lớn lao và quá tin tưởng, đối với Nữ Vương Thiên đàng vĩ đại, chưa bao giờ tỏa sáng rực rỡ như khi Giáo hội trần thế đang chiến đấu của Thiên Chúa dường như bị đe dọa bởi bạo lực của dị giáo… hoặc bởi một sự băng hoại đạo đức không thể dung thứ được, hoặc bởi sự tấn công của những kẻ thù hùng mạnh”. Quan trọng nhất trong số các cuộc “tấn công” như vậy là trận chiến Lepanto, một thời khắc nguy hiểm và quyết định trong lịch sử châu Âu và thế giới.
Kinh Mân Côi, hay Thánh thi Đức Trinh Nữ Maria, là một trong những lời cầu nguyện hay nhất dâng lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Kinh Mân Côi là một phương pháp cầu nguyện phổ biến và quan trọng của Giáo Hội Công Giáo Rôma.
Bài kinh này bao gồm một bộ tràng hạt và các câu kinh cầu theo mẫu. Khi thực hành, người tín hữu đọc lên thành tiếng, đọc thầm hay đọc bằng ý nghĩ theo trình tự: một Kinh Lạy Cha (Pater noster), sau đó là mười Kinh Kính Mừng (Ave Maria) và kết thúc bằng một Kinh Sáng Danh (Gloria Patri), mỗi trình tự như thế gọi là một “mầu nhiệm” (suy niệm), được hiểu là một bộ mười kinh. Một “mầu nhiệm” còn được gọi là một “sự” (một “decade”), tương ứng với một sự kiện về cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Maria theo Tân Ước.
Cho tới trước thế kỷ 21, Kinh Mân Côi bao gồm 15 mầu nhiệm, được chia làm ba nhóm: Mầu nhiệm năm Sự vui (Mysteria Gaudiosa), Mầu nhiệm năm Sự thương (Mysteria Dolorosa), Mầu nhiệm năm Sự mừng (Mysteria Gloriosa).
Tất cả hầu như không có gì thay đổi cho đến năm 2002, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố thêm năm mầu nhiệm mới, đó là Mầu nhiệm năm Sự sáng (Mysteria Luminosa), như vậy, Kinh Mân Côi ngày nay có 20 mầu nhiệm.
Đức Bênêđíctô XVI mời gọi tất cả các gia đình lần chuỗi Mân Côi theo ý Đức Giáo Hoàng, cho sứ mệnh của Giáo hội và cho hòa bình. “Như thể hàng năm Đức Mẹ mời gọi chúng ta khám phá lại vẻ đẹp của lời cầu nguyện này, thật đơn giản và sâu sắc”.
Đức Thánh Cha nói: “Kinh Mân Côi, một “lời cầu nguyện chiêm niệm và hướng về Chúa Kitô, không thể tách rời với việc suy niệm Sách Thánh” là “lời cầu nguyện của người Kitô hữu tiến bước trong cuộc hành hương đức tin đi theo Chúa Giêsu, được Mẹ Maria dẫn bước”.
Còn Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Mẹ Maria là Cửa Thiên đàng, như trong Kinh Cầu Đức Bà: Đức Bà là Cửa Thiên Đàng, ở đó, ở ngưỡng cửa Thiên đàng, Mẹ đang chờ đợi chúng ta đến quê hương của chúng ta. Ngài nói: “Mẹ Maria, là một con người, là một trong số chúng ta, đã đạt đến cõi hằng sống cả thể xác và linh hồn,” và Ngài giải thích rằng đây là lý do tại sao chúng ta gọi Mẹ là Cửa Thiên đàng.
“Ở đó, Mẹ đợi chúng ta, giống như một người mẹ đợi con mình trở về nhà.” Khi nhận thấy rằng “trong thiên đàng, cùng với Chúa Kitô, Ađam Mới, còn có Mẹ Maria, Evà mới, chúng ta có được niềm an ủi và hy vọng trong cuộc hành hương nơi gian trần này.”
Đức Thánh Cha nói rằng lễ Mẹ Lên Trời là lời mời gọi những ai trong chúng ta đang sống với những nghi ngờ và buồn bã, đôi mắt nhìn xuống, thì bây giờ phải nhìn lên, để thấy rằng “bầu trời đang mở ra. Chúng ta không cần phải sợ hãi, bởi vì trên ngưỡng cửa Thiên đàng có Mẹ đang chờ đợi chúng ta.”
Ngài nói, “Mẹ Maria liên tục nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là quý giá trong mắt Thiên Chúa, và chúng ta được tạo dựng là để hưởng những niềm vui lớn lao trên Thiên Đàng. Mỗi khi chúng ta cầm Chuỗi Mân Côi trên tay và cầu nguyện với Mẹ, chúng ta tiến thêm một bước tới mục tiêu lớn của cuộc đời mình.
Chúng ta hãy để cho mình bị thu hút bởi vẻ đẹp thực sự”. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta từ bỏ những điều tầm thường của cuộc sống: “định kiến, thù hận, ganh đua, đố kỵ và của cải vật chất không cần thiết”.
“Chúng ta đừng bị lôi kéo bởi những điều vụn vặt trong cuộc sống, nhưng chúng ta hãy chọn sự lớn lao của Thiên đàng,… đó mới là ngôi nhà thực sự của chúng ta”.
Trong thời hiện đại, các Đức Giáo Hoàng đã liên tiếp thúc giục các tín hữu lần hạt Mân Côi. Đó là một hình thức cầu nguyện chiêm niệm, cầu nguyện bằng tinh thần và bằng giọng nói, nhằm mang lại ơn phúc của Thiên Chúa trên Hội Thánh. Đây là một lời cầu nguyện được soi dẫn theo Kinh thánh, tập trung vào việc suy gẫm các mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô trong sự kết hợp với Mẹ Maria, Đấng đã kết hợp chặt chẽ với Con Mẹ trong hoạt động cứu chuộc của Ngài.
Đức Bà phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con.
Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, cầu cho chúng con.
Tài liệu tham khảo:
https://www.catholicculture.org/culture/liturgicalyear/calendar/day.cfm?date=2020-10-07
https://www.passionistnuns.org/passionist-calendar/2020/10/7/feast-of-our-lady-of-the-rosary
https://aleteia.org/2019/08/15/each-rosary-we-pray-is-a-step-toward-the-goal-of-our-life
Ghi chú:
[1] danh hiệu khác với Lễ Đức Mẹ Mân Côi hiện nay (còn gọi là Đức Mẹ Mai Khôi, Đức Mẹ Môi Côi, Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi) là một danh hiệu của Đức Trinh Nữ Maria trong mối tương quan với Kinh Mân Côi.
Trước đây, ngày lễ này được Đức Giáo Hoàng Piô V thiết lập vào năm 1572 gọi là Lễ Đức Mẹ Đồng Trinh Diễm Phúc Chiến Thắng (Feast of the Blessed Virgin Mother of Victory).
Hai năm sau tức là năm 1573, đấng kế vị ngài là Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII, đã đổi tước hiệu này thành Lễ Mân Côi Thánh (Feast of the Holy Rosary) được cử hành vào Chúa nhật đầu tiên của tháng Mười. Đặc ân cử hành ngày lễ này đã được ban cho tất cả những nhà thờ có bàn thờ Mân Côi. Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI đã mở rộng lễ đó cho toàn thể Giáo hội.
Dưới thời Đức Piô X, lễ được ấn định trở lại vào ngày 7 tháng 10. Lễ được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đổi tên vào năm 1960 thành Lễ Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc Mân Côi (Feast of the Blessed Virgin Mary of the Rosary). Tên gọi này đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đổi một lần nữa vào năm 1969 thành Lễ Đức Mẹ Mân Côi (Our Lady of the Rosary) và là một lễ kính trọng thể cho tới nay.
Tuy nhiên, danh hiệu Đức Mẹ Chiến thắng vẫn được duy trì cho các đền thánh trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Đức. Danh hiệu này là để nhớ đến chiến thắng đối với lạc giáo và ngoại giáo, trước cả chiến thắng tại Lepanto.
Gregory Pisides (khoảng 600-650) nhận thấy nơi Mẹ Maria là người chiến thắng duy nhất trước tự nhiên (sự ra đời kỳ diệu của Chúa Kitô) và giúp đội quân Đông La Mã chiến thắng không cần vũ khí trước đội quân người Avares của Ba Tư vào năm 626. Một trong những đền thánh nổi tiếng nhất mang danh hiệu Đức Mẹ Chiến Thắng là đền thánh Notre Dame des Victoires ở quận 2, Paris. (https://saolv.org/our-lady-of-victory-1).
Reviews
There are no reviews yet.