Tượng Thánh Martino de Porres bằng gỗ, điêu khắc theo yêu cầu
Ngày 3 tháng 11
MARTINO DE PORRES
Thánh Martino de Porres là một tu sĩ Công giáo người Peru thuộc Dòng Đa Minh, người được biết đến với lòng tận tụy phục vụ người nghèo và người bệnh. Ngài là vị thánh quan thầy của những người đa sắc tộc và những người ủng hộ sự hòa hợp giữa các chủng tộc.
Martino de Porres được sinh ra ở Lima, Peru vào ngày 09/12/1579, Ngài là đứa con ngoài giá thú, cha Ngài một chàng Hiệp sĩ tên là Don Juan de Porres và mẹ một thiếu nữ da đen người Panama tên là Ana Velasquez.
Chuyện này thì không có gì lạ vì nhiều người đàn ông thời đó, không thể có hôn ước đúng phép tắc với một thiếu nữ có cùng địa vị xã hội – một điều hiếm hoi ở xứ thuộc địa, họ bèn lấy phụ nữ da màu như thê thiếp, mà đôi khi vì lòng tốt được họ giải phóng khỏi kiếp nô lệ, như trường hợp của Anna, nhưng có lẽ họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc kết hôn với những phụ nữ da màu ấy và sẵn sàng rũ bỏ những phụ nữ này không thương tiếc.
Martinô mới chỉ là một cậu bé và em gái cậu cũng mới chỉ là bé gái sơ sinh khi người cha cho rằng thật đáng xấu hổ mới phải lộ diện ngoài xã hội với những đứa con da quá sậm và tóc quá quăn theo gu của ông… Ông biến mất, để lại người bạn đồng chăn gối với những đứa con không một nguồn sống!
Năm 15 tuổi, Martino xin vào ở trong nhà dòng Đa Minh Mân Côi ở Lima để làm người giúp việc và về sau làm người phát chẩn. Cuối cùng, cảm nhận được ơn gọi, Martino chính thức gia nhập làm tập sinh Dòng Đa Minh. Sau 7 năm tu luyện Martino được khấn trọng thể trong bậc trợ sĩ tại Tu viện Mân côi ở thành Lima.
Đây là những nhân đức nổi bất nhất mà Thánh Martino đã ra công tập luyện: Đứng đầu là khiêm nhường rồi đến nhẫn nại – hãm mình – vâng lời – đặc biệt là lòng mến Chúa yêu người. Hiếm có một người nào mà lại tập luyện cho mình được nhiều đức tính tốt lành như thế.
Quả thực, với bất cứ ai cần giúp đỡ, dù là con chó, con lừa, con chuột, Thánh Martino đều có mặt, sẵn lòng cứu giúp, một cách hiệu quả, để lại trên đường Ngài đi qua những điều kỳ diệu khiến người ta hết sức ngỡ ngàng.
Một hôm, thầy đang dẫn những tu sinh mới vào dòng đi dạo, thì thấy trễ giờ, sắp tới giờ kinh Mân côi ở tu viện mà họ còn ở xa quá không thể về kịp! Không hề bối rối, Máctinô nhìn những tu sinh trẻ đang hốt hoảng và nói với họ: “Hãy nắm tay nhau và nắm tay tôi, rồi đi cùng tôi nhé!”
Tại án phong chân phước, các chàng trai ấy ra làm chứng, mà vẫn còn chưng hửng không hiểu tại sao, chỉ trong tích tắc, họ đã về đến tu viện mà lại ở phía trong cửa vì cửa đã được khóa chắc chắn… Những điều kỳ diệu, những phép lạ, những kỳ công, quả là đầy dẫy trong cuộc đời của Martinô, nhưng đó lại là chuyện khác. Khi còn sống, Thánh Martino không muốn nghe người ta nhắc đến, để cho thấy rằng những công trạng ấy đều đến từ Chúa và chỉ thuộc về Chúa mà thôi.
Một ngày nọ, Thánh Martino gặp trên đường phố một người Ấn Độ nghèo, đang chảy máu vì bị dao đâm, liền đưa vào phòng riêng của mình sơ cứu để sau đó chuyển đến nhà em gái mình. Khi nghe báo cáo về chuyện này, tu sĩ bề trên đã khiển trách Ngài vì không vâng lời. Ngài thành thực trả lời rằng: “Xin thứ lỗi cho con và xin chỉ bảo cho con, vì con không biết rằng đức vâng lời thì trên cả đức bác ái”. Nghe vậy, bề trên đã cho Martino được tiếp tục làm theo ý mình.
Thánh Martino cũng là bạn của thánh Gioan Masias và thánh Rosa Lima. Khi Ngài qua đời tại Lima vào ngày 3 tháng 11 năm 1639, Thánh Martino đã được cả thành phố biết đến. Lời nói và những phép lạ chữa bệnh của Ngài đã khiến nhiều xem Ngài như một vị thánh trong tương lai. Năm 1664, Đức Tổng Giám mục Lima yêu cầu mở vụ án phong thánh. Di hài của Thánh Martino vẫn nguyên vẹn, vẫn chảy máu nếu chích vào; còn những vụ chữa lành nhờ ơn ngài thì hàng hà sa số. Quy trình phong thánh đòi hỏi phải thu nhặt nhiều chứng cứ của những người từng biết người tôi tớ Chúa.
Ngày 06 tháng 5 năm 1962, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã long trọng suy tôn lên đài vinh quang, một vị thánh “da đen” trước mắt 30 Hồng y, rất đông Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và gần 70 ngàn giáo dân, đó chính là Thánh Martino Porres, trợ sĩ dòng Đaminh, một vị thánh trước con mắt người trần không có địa vị ngôi thứ, hơn nữa, còn thuộc về hạng nô lệ “da đen” hèn hạ. Nhưng trước mắt Thiên Chúa, ngài là một vị thánh đáng cho toàn thể nhân loại kính yêu tôn phục, vì lúc bình sinh, ngài đã triệt để thi thố lòng quảng đại bác ái vô biên đối với tha nhân.
Lễ Kính: 03/11
Jbdung –
Đặt tượng ở đâu ạ?